}

10 rủi ro toàn cầu lớn nhất trong chuỗi cung ứng năm 2024 (phần 1)

 13/07/2024

Việc không hiểu được những rủi ro tiềm tàng của thị trường chính là rủi ro lớn nhất của một doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời điểm có nhiều biến động toàn cầu như hiện nay. Dưới đây là 10 rủi ro hàng đầu mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cần theo dõi và các giải pháp để ứng phó trong những tình huống này.

1. Bất ổn địa chính trị

Tình hình địa chính trị bất ổn gần đây đã đẩy chuỗi cung ứng đối mặt với nhiều rủi ro. Những sự kiện như xung đột ở Biển Đỏ, chiến tranh Nga - Ukraine, Iran bắt giữ tàu hàng của Israel, căng thẳng leo thang ở Đài Loan, thuế quan do Mỹ áp đặt đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc… đều đã hoặc có thể gây ra những tác động sâu rộng và lâu dài đến giá cước vận tải, độ tin cậy về lịch trình, thậm chí có thể dẫn tới đình trệ trong sản xuất do thiếu nguyên liệu thô, từ đó tạo nên gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Và khi cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ sắp đến gần, thế giới càng thêm không chắc chắn về những tác động có thể xảy ra đối với thương mại toàn cầu (đặc biệt là đối với Trung Quốc) trong thời gian tới.

Những sự kiện toàn cầu ảnh hưởng đến hoạt động vận tải container

CẦN LÀM GÌ TRONG TÌNH HUỐNG NÀY?

Các ngành công nghiệp đang ngày càng dựa vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Những doanh nghiệp có phạm vi hoạt động toàn cầu có thể cân nhắc chuyển sang tập trung hoạt động sản xuất và kinh doanh vào các khu vực nhỏ hơn, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và các rào cản thương mại. Một số doanh nghiệp đã định hướng lại mạng lưới hoạt động của mình, đưa hoạt động sản xuất đến gần hơn với người tiêu dùng cuối cùng. Nhiều doanh nghiệp khác đang tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp nguyên liệu sản xuất, điều này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong tìm kiếm nhà cung cấp thay thế khi có sự gián đoạn về nguồn cung từ một khu vực địa lý nhất định. 

Sản xuất trong nước, hay ở nước ngoài, duy trì hoạt động ở phạm vi toàn cầu, hay thu về các khu vực. Dù chọn cách nào để thích nghi với bất ổn địa chính trị, doanh nghiệp cũng nên duy trì mức độ tuân thủ trong hoạt động kinh doanh ngay cả khi chính phủ các nước có cách tiếp cận bớt khắt khe hơn. Điều này giúp giảm thiểu tác động tiêu cực trong việc tuân thủ các quy định và bảo vệ doanh nghiệp trước những thay đổi từ các quy định mới.

2. Bất ổn kinh tế

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chi phí sinh hoạt sẽ là yếu tố chiếm ưu thế trong các rủi ro toàn cầu vào hai năm tới. Chi phí tăng cao có thể gây nên nhiều tác động sâu sắc đến các tầng lớp xã hội và những quốc gia dễ bị tổn thương, góp phần làm gia tăng đói nghèo, tình trạng biểu tình bạo lực, bất ổn chính trị và thậm chí là sụp đổ nhà nước.

Bên cạnh đó, các đợt phong tỏa để ứng phó với dịch bệnh COVID-19 (đặc biệt là ở Trung Đông và Châu Á) và các cuộc xung đột đang diễn ra đang khiến chi phí nguyên liệu thô tăng cao. Với những yếu tố như năng lực sản xuất giảm hoặc bị gián đoạn, rủi ro trong hoạt động giao hàng và thị trường lao động bị thu hẹp, khoảng cách giữa cung-cầu sẽ bị mở rộng; từ đó khiến tăng giá bán sản phẩm và gây thêm áp lực cho những người mua hàng phải tìm nguồn cung nguyên liệu phục vụ sản xuất với giá cả đắt đỏ. Điển hình là giá năng lượng đã tăng vọt 20% sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra.

Trong tình hình này, các hãng tàu cũng tận dụng cơ hội để kiếm tiền từ chủ hàng muốn sử dụng dịch vụ giao ngay để tăng công suất vận chuyển trước mùa cao điểm, khi mà giá cước đã tăng mạnh trên các tuyến thương mại hàng đầu thế giới từ đầu tháng 5/2024.

Một lĩnh vực khác mà doanh nghiệp cần lưu ý là vận tải hàng không. Trong bối cảnh vận tải hàng không xuyên Đại Tây Dương có khởi đầu không suôn sẻ vào đầu năm 2024, gần đây thị trường này đã chứng kiến nhu cầu tăng +11% so với cùng kỳ năm ngoái từ giai đoạn tháng 3 - tháng 6/2024. Công suất vận chuyển giai đoạn này tăng đáng kể so với quý 1/2024, và tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân có thể là do thương mại điện tử phát triển bùng nổ và sự gián đoạn trong vận tải đường biển.

Biểu đồ thể hiện tăng trưởng về nhu cầu, nguồn cung hàng hóa, hệ số vận tải và giá cước qua đường hàng không trên toàn cầu

 

CẦN LÀM GÌ TRONG TÌNH HUỐNG NÀY?

Theo Emily Stausbøll, Nhà phân tích cấp cao tại Xeneta cho rằng: “Không có 'giải pháp tốt nhất' nào trong một thị trường biến động như vậy - đây là việc từng chủ hàng phải hiểu rõ chuỗi cung ứng của riêng họ, đánh giá rủi ro và sử dụng dữ liệu để hiểu rõ hơn và đưa ra quyết định về mức cước vận chuyển dựa trên các dữ liệu đó” 

Hơn hết, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc phát triển chiến lược thu mua linh hoạt hơn nhằm thích nghi nhanh chóng, chẳng hạn như thời hạn hợp đồng ngắn hơn, chuyển đổi giữa các phương thức vận chuyển hoặc các mô hình định giá linh hoạt trong thời kỳ bất ổn kinh tế. Các cách tiếp cận khác bao gồm đa dạng hóa nguồn cung ứng, củng cố mối quan hệ với nhà cung cấp hiện tại, qua đó có thể nhận được sự hợp tác và hỗ trợ linh hoạt trong những giai đoạn khó khăn. Nếu con dung lượng kho bãi, các doanh nghiệp cũng có thể cân nhắc tăng dự trữ hàng tồn kho cho những nguyên liệu quan trọng để giảm bớt áp lực. 

3. AI và các công nghệ mới nổi 

Theo hãng nghiên cứu Gartner, trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) được dự báo sẽ thực hiện đến khoảng 25% tổng số KPI trong ngành logistics vào năm 2028. Các giám đốc điều hành doanh nghiệp cũng dự báo rằng 25% KPI trong ngành sẽ được đẩy mạnh bởi công nghệ mới nổi.  Hiện nay, một trong những trường hợp mà AI được đưa vào sử dụng phổ biến nhất là phân tích rủi ro trong hợp đồng, với 50% các doanh nghiệp dự kiến sẽ sử dụng công cụ hỗ trợ AI để hỗ trợ đàm phán hợp đồng nhà cung cấp vào năm 2027. 

Ngoài ra, sự kết hợp giữa AI và IoT (Internet vạn vật) đang tạo ra một môi trường hoạt động cực kỳ hiệu quả, trong đó AI dự kiến sẽ giúp việc phân phối sản phẩm kịp thời và hạn chế lỗi trong quá trình vận chuyển qua đó đạt hiệu quả tốt hơn 45%.

Một lĩnh vực được quan tâm khác là công nghệ bản sao kỹ thuật số (Digital Twin). Bản sao kỹ thuật số tạo ra mô hình của sản phẩm hữu hình, hệ thống hoặc một quy trình bao gồm chức năng, tính năng và hành vi đối với sản phẩm dưới dạng kỹ thuật số. Mô hình này cho phép các doanh nghiệp kiểm tra, giám sát và dự đoán những thay đổi có thể xảy ra, xem xét những thay đổi đó hoạt động như thế nào trước khi triển khai chúng trong thế giới thực. Công nghệ bản sao kỹ thuật số không chỉ có thể tạo bản sao kỹ thuật số cho chuỗi cung ứng (DSCT) mà giờ đây còn có thể tạo bản sao kỹ thuật số cho khách hàng (DToC). Sự tích hợp từ đầu đến cuối này của DSCT với DToC sẽ cho phép doanh nghiệp đưa ra các quyết định tốt hơn, nhanh hơn và mang lại những chuỗi cung ứng được cá nhân hóa và có độ tùy chỉnh cao hơn, phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của khách hàng.

Trí tuệ nhân tạo (AI) được dự báo sẽ thúc đẩy gần 25% tổng số KPI trong ngành logistics vào năm 2028

CẦN LÀM GÌ TRONG TÌNH HUỐNG NÀY?

Nhiều người bày tỏ sự hào hứng về khả năng ứng dụng của AI đối với toàn bộ chuỗi cung ứng, nhưng rất ít người có những kỹ năng cá nhân, trình độ kỹ thuật hoặc dữ liệu có sẵn để triển khai công nghệ AI. Vậy nên, kế hoạch phổ biến có tính khả thi cao là mô phỏng các trường hợp mà doanh nghiệp có thể áp dụng AI và tiến hành thí điểm các trường hợp đó.

Trước khi đầu tư vào AI tạo sinh, doanh nghiệp nên đánh giá kỹ lưỡng mức độ phát triển, lực lượng lao động, mong muốn thay đổi, năng lực nội bộ và những dữ liệu sẵn có trong tổ chức. Điều quan trọng nữa là doanh nghiệp cần xác định lý do tại sao mình cần sử dụng AI tạo sinh và tác động của nó đối với các quy trình hiện có. 

4. Vai trò quan trọng của Giám đốc Chuỗi cung ứng (CSCO) 

Phát biểu tại Hội nghị về chuỗi cung ứng Gartner/Xpo, ông Tom Enright, Phó Chủ tịch hãng tư vấn Gartner cảnh báo rằng: “Các Giám đốc Chuỗi cung ứng phải tập trung vào các sáng kiến mang lại nhiều giá trị” nếu không sẽ với đương đầu với nguy cơ suy giảm tầm ảnh hưởng và khả năng kiểm soát các mục tiêu chiến lược đề ra của mình. Điều này có nghĩa là các Giám đốc Chuỗi cung ứng cần tìm kiếm các sáng kiến liên quan đến khả năng phục hồi, tính linh hoạt và tính bền vững, chứ không chỉ giới hạn trong quản lý chi phí.

Ba ưu tiên này được hãng tư vấn danh tiếng McKinsey coi là 'cơ hội ngàn năm có một [dành cho các CSCO] để củng cố chuỗi cung ứng của họ trong tương lai' và chuyển các hoạt động thu mua từ tư duy ở cấp độ chiến thuật sang tư duy ở tầm chiến lược; từ quản lý rủi ro tức thời sang quản lý rủi ro ở tầm chủ động hơn.

CẦN LÀM GÌ TRONG TÌNH HUỐNG NÀY?

Song song với việc liên tục cải thiện quy trình chuỗi cung ứng, các Giám đốc Chuỗi cung ứng phải đương đầu với trách nhiệm ngày càng phức tạp trong dự đoán, giảm thiểu và quản lý những gián đoạn có thể xảy ra trong chuỗi cung ứng. Công việc này yêu cầu người thực hiện phải có cái nhìn đầy đủ và toàn diện về thị trường. Đầu tiên là là phải có được dữ liệu về cước vận chuyển trên phạm vi toàn cầu – với sự phân biệt giữa cước ngắn hạn và cước dài hạn, mức độ tin cậy về lịch trình, lượng khí thải carbon, phụ phí và lịch sử các mức cước mà doanh nghiệp đã mua.

Tiếp theo, hãy tìm kiếm các đối tác cung cấp hợp đồng liên kết với các chỉ số (index-linked contract). Các chỉ số cung cấp cho người gửi hàng và nhà cung cấp dịch vụ logistics một cách thức chủ động để quản lý chi phí vận chuyển hàng hóa, bằng cách đối chiếu giá cước theo hợp đồng với mức chuẩn trên thị trường. Điều này có thể mang lại sự ổn định về giá cước cao hơn, giảm thiểu rủi ro và mức giá cước cũng công bằng hơn. Khi tỷ lệ giao dịch cước thành công dao động từ 98% xuống mức chỉ 75% trong suốt chu kỳ vận chuyển hàng hóa, việc dựa vào các chỉ số cũng có thể cải thiện các cam kết chiến lược giữa người gửi hàng và đơn vị vận chuyển bằng cách loại bỏ bất đồng và xây dựng niềm tin vào các chương trình đấu thầu cước – vốn đang ngày càng trở nên thường xuyên và tốn nhiều công sức hơn.

5. Thời tiết cực đoan 

Cũng theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thời tiết cực đoan là một trong những yếu tố có ảnh hướng lớn nhất đối với vận tải đường biển và được coi là yếu tố hàng đầu có khả năng gây ra khủng hoảng nguyên vật liệu trên quy mô toàn cầu trong năm 2024. 

Tại Hoa Kỳ, các sự kiện thời tiết gây thiệt hại hàng tỷ USD đã tăng từ trung bình 4 tháng/lần vào thập niên 1980 lên đến 3 tuần/lần như hiện nay (dẫn từ Everstream). Theo ước tính, khói từ các vụ cháy rừng ở Canada đã khiến việc giao hàng bị trì hoãn tới hai ngày so với thời gian giao hàng trung bình. Khói bụi khiến khả năng theo dõi lô hàng bị giảm nên thời gian di chuyển của các chuyến hàng cũng bị giảm theo mức độ khác nhau ở các khu vực khác nhau - một số nơi lên tới 75%. Tại kênh đào Panama, hạn hán đã gây ra tình trạng giảm tốc độ vận chuyển trên tại kênh vận tải biển lớn này và lũ quét ở Dubai là nguyên nhân nhấn chìm một sân bay quốc tế.

Dự báo mùa bão sắp tới (tháng 6 - tháng 11) cũng cho thấy nguy cơ ngừng sản xuất liên quan đến thời tiết trong ngành dầu và khí tự nhiên của Hoa Kỳ tăng cao. Nếu đúng theo dự báo, các nhà cung cấp ở khu vực bị ảnh hưởng có thể phải đóng cửa nhà máy và trì hoãn sản xuất. Các tuyến vận chuyển có thể bị gián đoạn và buộc phải có các tuyến đường mới dài hơn. Đồng thời khi thời tiết trở nên cực đoan, các nỗ lực cứu trợ gia tăng có thể ảnh hưởng đến năng lực vận tải trong một số phương thức, dẫn đến giá cước vận tải cao hơn.

Thời tiết khắc nghiệt là một trong những yếu tố có ảnh hướng lớn nhất đối với vận tải đường biển

CẦN LÀM GÌ TRONG TÌNH HUỐNG NÀY?

Chủ hàng cần phải đánh giá các tuyến đường thường xuyên sử dụng và xác định hãng tàu nào có thể tăng cường công suất trong bối cảnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra. Điều này giúp nhà sản xuất có thể thu hẹp quy mô hoạt động một cách linh hoạt, hoặc thay đổi phương thức vận chuyển trong giai đoạn căng thẳng. 

Đối với các hãng tàu, hiện tượng thời tiết khắc nghiệt thường gia tăng nhu cầu vận tải các mặt hàng thiết yếu như vật tư sửa chữa nhà cửa và nhu yếu phẩm. Đồng thời, thiệt hại đối với các cơ sở sản xuất, nhà kho và trung tâm phân phối có thể làm gián đoạn sản xuất và dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung. Bản thân các hãng tàu cũng có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu và cảng biển gián đoạn hoạt động, điều sẽ dẫn đến biến động giá tăng cao.  
 

Rủi ro trong chuỗi cung ứng là một phần không thể tránh khỏi trong quá trình hoạt động kinh doanh, những rủi ro này ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp hay thậm chí có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Vậy nên, doanh nghiệp cần hiểu rõ các rủi ro và có những kế hoạch dự phòng.

 

Theo Xeneta

U&I Logistics

 

Related posts