Company news

Thị trường xe điện ảnh hưởng thế nào lên ngành vận tải biển?

 22/10/2024

Financial Times - Thỏa thuận bán đội tàu chở ô tô và xe tải của Laeisz là dấu hiệu cho thấy thị trường vận tải này có thể đã đạt đỉnh.

Ảnh hưởng từ sau khi các quốc gia thành viên EU bỏ phiếu áp thuế nhập khẩu xe điện Trung Quốc đang được cảm nhận trên khắp các đại dương. Tương tự như lượng xe điện Trung Quốc bon bon trên nhiều con đường trên thế giới đã tăng lên trong thời gian qua, thì lượng xe này cũng đã lấp đầy nhiều hơn các con tàu trên hành trình từ nhà máy đến với người dùng.

thi-truong-xe-dien-anh-huong-the-nao-len-nganh-van-tai-bien
Ô tô nhập khẩu vào thị trường Việt Nam tại cảng SPCT (Hiệp Phước, TPHCM)

Theo ước tính của hãng tư vấn hàng hải Clarksons, tổng lượng ô tô vận chuyển qua đường biển trong năm nay ước đạt khoảng 25 triệu chiếc, tăng 17% so với thời điểm trước Covid 2019. Khoảng một phần năm trong số đó đến từ Trung Quốc và khoảng một phần tám tổng số là từ xe điện.

Các tàu ro-ro, nơi mà các loại ô tô và xe tải chỉ đơn giản chạy lên xuống và không cần xử lý gì nhiều trên tàu, đã tận dụng tốt làn sóng này. Wallenius Wilhelmsen, hãng tàu ro-ro được niêm yết tại Oslo (Na Uy), là đơn vị vận hành khoảng 128 tàu ro-ro, vừa công bố báo cáo quý với số liệu kỷ lục. Giá cước vận chuyển ròng tăng từ 56 USD/cbm vào năm 2023 lên 60 USD/cbm trong nửa đầu năm nay. Hãng cùng ngành Irish Continental Group ghi nhận lượng ô tô vận chuyển tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, tính đến ngày 24/8.

Với nhu cầu vận chuyển vượt xa nguồn cung, các nhà sản xuất ô tô đã phải động não, và họ đã tìm đến phương thức vận chuyển bằng container. Hãng tư vấn Drewry ước tính rằng ngày càng có nhiều ô tô được vận chuyển trong container, từ 200.000 đến 400.000 chiếc mỗi năm, chủ yếu là xe điện. Phương án này có thể không thể tối ưu hóa được không gian vận chuyển và do có nhiều tác nghiệp xếp dỡ hơn, nguy cơ xảy ra hư hỏng cũng tăng lên.

Nguồn: Clarkson Research

Đứng trước tình trạng căng thẳng cung vận chuyển, các thương hiệu Trung Quốc như BYD, nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới theo doanh số bán hàng và đối tác trong nước là SAIC đang tự mình tạo ra nguồn cung đó. Tàu BYD Explorer No 1, với chủ tàu là Zodiac Maritime, có sức chứa lên tới 7.000 xe dạng tiêu chuẩn, đã thực hiện chuyến hải hành đầu tiên vào đầu năm nay. Thêm nhiều nguồn cung khác chuẩn bị được đưa ra thị trường: danh sách đặt hàng đóng tàu mới của các xưởng đóng tàu, đặc biệt là ở Châu Á, đang dày đặc hơn.

Bùng nổ rồi suy thoái là lời nguyền của mọi ngành công nghiệp vốn phát triển theo chu kỳ. Nhưng mức thuế áp cho xe điện cả ở Châu Âu và Mỹ, hoặc là thuế mới, hoặc ở mức cao hơn, sẽ làm trầm trọng thêm câu chuyện này. Không chỉ các nước phát triển hạn chế nhập khẩu, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước đang phát triển, trong năm nay cũng đã áp dụng những loại thuế nhất định để đảm bảo rằng BYD phải xây dựng nhà máy trên lãnh thổ của họ.

Không phải tất cả những diễn biến như trên đều sẽ gây tổn hại đến hoạt động thương mại: như câu chuyện ở Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ hàm ý, việc chuyển sản xuất về gần nước tiêu thụ rồi sẽ là một phần của câu chuyện. BYD hiện đã có một nhà máy ở Hungary. Tại Châu Âu, nơi xe điện BYD có giá gấp đôi giá niêm yết trong nước, nhà sản xuất có thể có đủ khả năng để hấp thụ một số chi phí thuế hoặc sắp xếp lại các địa điểm sản xuất.

Nhưng việc chuyển địa điểm sản xuất vẫn sẽ làm giảm nhu cầu vận chuyển trên các tuyến hàng hải Á-Âu đông đúc và làm giảm giá cước. Đối với một số hãng chuyên tuyến, tuyến vận tải này đã giảm nhẹ sản lượng trong năm nay.

Dù thị trường đang ở mức cao điểm, một số tên tuổi kỳ cựu lại đã lên tàu rời khỏi ngành. Laeisz, hãng tàu tự hào có lịch sử lên đến 200 năm, đã bán đội tàu chở ô tô và xe tải của mình cho tập đoàn MSC vào tháng 7 vừa qua với giá khoảng 700 triệu USD. Phải thừa nhận rằng đây chỉ là con số nhỏ đối với MSC, nhưng đây là một thỏa thuận cho thấy thị trường có thể đã đạt đến đỉnh.

Theo Financial Times

U&I Logistics