06/11/2024
Theo Financial Times - Những đòi hỏi về kỹ thuật đang thúc đẩy các thương hiệu lớn đưa công việc thiết kế trở về lại công ty, trong khi những doanh nghiệp khác thì đang theo đuổi mục tiêu bảo vệ môi trường.
Chúng ta đều biết rằng Starbucks có đội ngũ barista (nhân viên pha chế) riêng của mình, liệu thương hiệu nổi tiếng này cũng muốn tự trồng ra hạt cà phê của riêng mình không? Chuỗi quán cà phê hàng đầu thế giới, thực ra đã sở hữu một trang trại cà phê tại Costa Rica từ năm 2013, và gần đây có tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh doanh đang thịnh, đó là mua lại các trang trại ở Guatemala, Costa Rica và đầu tư vào các khu vực "vành đai cà phê" (coffee belt) khác ở Châu Phi và Châu Á.
Liên kết theo chiều dọc (vertical integration), đặc biệt là đầu tư vào sản xuất nguyên liệu thô, là hoạt động khá phổ biến trong giới doanh nghiệp từ ít nhất một thế kỷ trước. Ông trùm ô tô Henry Ford, đã là một trong những người tiên phong phát triển liên kết dọc, Ford thậm chí còn sở hữu các trang trại nuôi cừu để cung cấp len cho vỏ ghế ô tô. Tuy nhiên, liên kết dọc ngày nay đã khác.
Toàn cầu hóa và thương mại tự do đã phá vỡ sự kết hợp truyền thống giữa nhà cung cấp nguyên liệu, phụ tùng với nhà sản xuất. Liên kết dọc thường xuyên dẫn đến thất bại và việc khắc phục là khá tốn kém và lộn xộn. Bowmar, cái tên có thể là thương hiệu sản xuất máy tính cầm tay lớn nhất thế giới giai đoạn đầu thập kỷ 1970, cũng là thời kỳ hoàng kim của ngành, đã mua một nhà máy sản xuất mạch tích hợp cho riêng mình khi giá các thiết bị của công ty giảm — và rồi sụp đổ một năm sau đó. Tập đoàn hóa chất DuPont, phần nào đó trong vai trò giải cứu, đã mua lại hãng Conoco để có nguồn cung cấp nguyên liệu ổn định vào năm 1979, nhưng rồi hai bên cũng đã phải chia tay nhau vài thập kỷ sau đó.
Trong một số lĩnh vực nhất định hiện nay, địa chính trị có thể đang tạo ra một biến thể hiện đại của liên kết dọc. Trong lĩnh vực chip, sự ra đời của công ty chip "không có nhà máy" và chi phí khổng lồ để xây dựng các nhà máy bán dẫn đã làm giảm nhu cầu sở hữu nguồn cung của các công ty lớn trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng tập đoàn công nghệ Trung Quốc Alibaba và một số doanh nghiệp khác đã cũng phải bắt đầu phát triển chip tiên tiến khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến cho xứ Cờ hoa hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn.
Trong khi đó, những đòi hỏi về kỹ thuật đang thúc đẩy các doanh nghiệp lớn đưa công việc thiết kế (nếu không phải sản xuất) trở lại phạm vi kiểm soát của họ. Apple bắt đầu từ bỏ chip Intel để chuyển sang chip do chính họ tự sản xuất vào năm 2020. "Tích hợp phần cứng và phần mềm là thiết yếu cho mọi sản phẩm chúng tôi làm ra", lãnh đạo của Apple, Tim Cook, đã phát biểu như vậy vào thời điểm đó. Sự ra đời của AI tạo sinh đã thúc đẩy Meta (công ty mẹ của Facebook) và Google đi sâu hơn vào lĩnh vực silicon tùy chỉnh, và Google vừa qua đã cho ra mắt chip CPU Arm.
Mức độ chấp nhận của nhà đầu tư đối với liên kết theo chiều dọc đã thay đổi theo thời gian — nhưng những liên kết dọc giờ đây không giống với phiên bản xưa cũ như ở thời của Ford. Quay lại với câu chuyện về cà phê: các trang trại của Starbucks chỉ cung cấp phần nhỏ cho chuỗi hơn 38.000 quán cà phê trên thế giới, chuỗi này hiện mua khoảng 3% nguồn cung cà phê toàn cầu. Các trang trại này chủ yếu tạo điều kiện cho Starbucks thử nghiệm, đồng thời giúp cho doanh nghiệp ghi điểm trong các lĩnh vực nông nghiệp có trách nhiệm và trao quyền cho nông dân.
Tương tự như vậy, Ingka Group, tập đoàn mua nhượng quyền Ikea lớn nhất, tự hào có khoản đầu tư hơn 320.000 ha rừng trên bảy quốc gia, phần diện tích gấp 4 lần thành phố New York. Nhưng khoản đầu tư này không hẳn là phục vụ cho liên kết dọc, mà là câu chuyện về tái trồng rừng: chỉ có khoảng 5% gỗ khai thác được dùng làm nguyên liệu cho các sản phẩm của Ikea và thị trường mở.
Cái nào ra cái đấy, và sự tách bạch như vậy có vẻ lý tưởng hơn. Nông nghiệp — cho dù là nuôi cừu, thu hoạch hạt cà phê hay trồng cây — là hoạt động kinh doanh rất khác so với bán lẻ, cho dù là bán đồ nội thất đóng gói hay bán đồ uống có caffeine.
Theo Financial Times
U&I Logistics