Company news

Đường sắt của Nga trở thành lựa chọn mới cho vận tải hàng hóa giữa tình hình phức tạp ở Biển Đỏ

 04/09/2024

The Telegraph - Tuyến đường sắt đi qua Nga cung cấp giải pháp hữu ích để tránh các lệnh trừng phạt và giúp quá trình vận chuyển hàng hóa được an toàn khỏi các cuộc tấn công của Houthi.

Các nhà phân tích cho biết, khủng hoảng Biển Đỏ đang là động lực cho sự gia tăng của hàng hóa vận chuyển qua các tuyến đường sắt của Nga và từ đó gia tăng thu nhập cho xứ sở Bạch Dương.

Các công ty vận tải hoạt động giữa Trung Quốc và châu Âu đang có xu hướng chuyển sang sử dụng các tuyến đường sắt chạy qua Nga, nguyên nhân là do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu đi qua kênh đào Suez gây ra nhiều chậm trễ và đẩy chi phí lên cao hơn. Để đi qua tuyến đường sắt này, hàng hóa cần được vận chuyển từ Trung Quốc đến châu Âu thông qua Liên minh Đường sắt Á - Âu (ERA) – một công ty vận tải hàng hóa của Nga sử dụng các tuyến đường sắt của Nga. Được biết, khối lượng hàng hóa được vận chuyển ở tuyến đường này đã tăng gấp đôi tính từ khi cuộc khủng hoảng Biển Đỏ bắt đầu vào cuối 2023.

Ông Simon Johnson, Giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và là cựu Chuyên gia cao cấp về kinh tế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cho biết: "Đây chắc chắn là một nguồn thu nhập khá tốt  đối với Điện Kremlin.."

Công ty Vận tải đường sắt Nga RZD, gần như độc quyền các tuyến đường sắt của nước này.

Theo dữ liệu phân tích từ The Telegraph, trong sáu tháng đầu năm nay, ERA đã vận chuyển thành công 163.000 TEU hàng hóa bằng tuyến đường sắt Trung Quốc - Châu Âu, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023.

Số lượng hàng hóa vận chuyển dọc theo tuyến đường này đã giảm 61% kể từ khi Nga bước vào xung đột với Ukraine. Tuy nhiên, khối lượng hàng hóa gần như đã phục hồi về mức đỉnh điểm của giai đoạn trước khi xung đột xảy ra. Cụ thể hơn, tuyến đường được ERA sử dụng nhiều nhất Trung Quốc - Ba Lan đã vận chuyển lượng hàng hóa đạt mức kỷ lục 134.000 TEU chỉ trong sáu tháng đầu năm nay. Đây là con số cao hơn 38% so với mức đỉnh điểm trước thời điểm xảy ra chiến tranh vào năm 2021.

Hàng hóa hóa sau khi được vận chuyển đến Ba Lan sẽ tiếp tục được vận chuyển đến các địa điểm khác trên khắp châu Âu.

Tuy trong thực tế, lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt là rất nhỏ so với vận tải biển, nhưng sự thay đổi này đã làm nổi bật một lỗ hổng trong các lệnh trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước Nga.

Hiện nay không có lệnh trừng phạt nào đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt qua Nga, miễn là hàng hóa vẫn được vận chuyển liên tục.

Tuy vậy vẫn có nhiều công ty vận chuyển như Maersk và DSV đã tuyên bố họ sẽ ngừng sử dụng các tuyến đường sắt này sau khi Nga có hành động quân sự với Ukraine.

Tác động của khủng hoảng ở Biển Đỏ đến vận tải biển toàn cầu

Có khoảng 17.000 tàu và từ 10-12% thương mại toàn cầu đi qua đây mỗi năm

duong-sat-cua-nga-tro-thanh-lua-chon-moi-cho-van-tai-hang-hoa-giua-tinh-hinh-phuc-tap-o-bien-do

Tuy nhiên, một số công ty, chẳng hạn như Blue Water Shipping có trụ sở tại Đan Mạch, hiện đang đảo ngược chính sách này do nhu cầu cao từ các doanh nghiệp đang tìm kiếm các tuyến vận chuyển nhanh hơn từ châu Á.

Được biết, Blue Water đã tái khởi động các chuyến vận chuyển đi qua nước Nga vào tháng 2 năm nay, người phát ngôn của công ty cho biết lý do là vì "các vấn đề ở Biển Đỏ khiến các công ty cần phải xem xét đến một số tuyến đường thay thế".

Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ bắt đầu sau các cuộc tấn công của Hamas nhắm vào Israel vào tháng 10/2023, khi nhóm vũ trang Houthi bắt đầu phát động các cuộc tấn công trên không vào các tàu thuyền đi qua eo biển nối biển Đỏ với Ấn Độ Dương. Gần đây, các tay súng của Houthi đã tấn công một tàu chở dầu Hy Lạp, khiến tàu này bốc cháy.

Mối lo ngại chung về các tuyến đường vận chuyển có thể sẽ gia tăng sau  cuộc giao tranh giữa Israel và nhóm Hezbollah ở Lebanon, làm dấy lên lo ngại cuộc xung đột có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực.

Gián đoạn trên các tuyến vận chuyển đã dẫn đến việc các khoản phí bảo hiểm tăng vọt cho các hoạt động vận chuyển trên Biển Đỏ.

Trong số bốn tuyến đường sắt có thể được sử dụng để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến châu Âu, có ba tuyến chạy qua Nga. Tuyến thứ tư là Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian, đi qua Thổ Nhĩ Kỳ thay vì Nga. Tuy nhiên, tuyến này đòi hỏi phải đi phà và do đó chậm hơn so với 3 tuyến còn lại.

Maria Magdalena Pavitsich - Đại diện từ Công ty đường sắt OBB của Áo cho biết rằng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của khách hàng đã tăng lên nguyên nhân là do sự chậm trễ ở Biển Đỏ và chi phí vận chuyển tăng cao.

Vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Trung Quốc đến châu Âu mất khoảng 18 ngày, so với thời gian trung bình là 55 ngày nếu vận chuyển bằng đường biển.

Bà cho biết thêm, OBB đang "tập trung mạnh mẽ" vào Tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspian.

The Telegraph

U&I Logistic