Tin tức

Tin vui ngành Logistics: Thuế VAT chính thức giảm còn 8% trong năm 2022

 20/01/2022

U&I Logistics - Ngày 11/1 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, Quốc hội đồng ý giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu mức thuế VAT 10%. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

 

Dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp. Đặc biệt, giá cước vận tải biển tăng cao kéo theo áp lực về dòng tiền của doanh nghiệp logistics lớn hơn rất nhiều. Để hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách giảm thuế VAT đóng vai trò then chốt giúp tiết kiệm chi phí cho dịch vụ logistics nói riêng và hàng hóa, dịch vụ nói chung.

Chính sách giảm thuế VAT tác động lớn đến chi phí dịch vụ Logistics
Chính sách giảm thuế VAT tác động lớn đến chi phí dịch vụ Logistics

Cụ thể về chính sách miễn, giảm thuế VAT: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,…

 

Ngoài ra, các chính sách về đầu tư phát triển, về an sinh xã hội, lao động, việc làm và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cũng được đồng thời triển khai.

  • Về chính sách đầu tư phát triển: Tăng chi phí đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176.000 tỷ đồng, tập trung trong 2 năm 2022 và 2023.
  • Về an sinh xã hội, lao động, việc làm: Cấp cho ngân hàng chính sách xã hội tối đa 5.000 tỷ đồng, bao gồm cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất tối đa 3.000 tỷ đồng cho đối tượng vay vốn theo các chương trình tín dụng chính sách có lãi suất cho vay hiện hành trên 6%/năm.
  • Về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh: Hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân thuê và thuê mua…

 

Nhiều chính sách được doanh nghiệp logistics đề xuất để tiết kiệm chi phí dịch vụ
Nhiều chính sách được doanh nghiệp logistics đề xuất để tiết kiệm chi phí dịch vụ

Sau tin vui về chính sách thuế, nhiều chính sách được đề xuất để thúc đẩy ngành dịch vụ mũi nhọn trong năm 2022. Tiêu biểu là đề nghị của ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) về việc không áp dụng các chính sách làm tăng chi phí dịch vụ logistics nói chung, như chi phí vận tải, giá nhiên liệu, giá BOT, phí và các lệ phí có liên quan khác, giảm mức thu phí hạ tầng cảng biển của các tỉnh thành trên cả nước.

Hơn nữa, các doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ có quyết sách phát triển ngành vận tải biển mang thương hiệu Việt Nam. Điển hình như phát triển đội tàu container cỡ lớn kinh doanh tuyến xa nhằm đáp ứng nhu cầu chuyên chở hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp logistics trong nước.

 

Chính sách giảm thuế giúp thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Chính sách giảm thuế giúp thu hút các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Khởi đầu năm 2022 bằng những tín hiệu tốt, ngành logistics hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều cơ hội đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến các doanh nghiệp này tìm cách tiết kiệm chi phí khi tìm kiếm địa điểm đầu tư mới. Có thể nói, để thu hút và giữ chân doanh nghiệp FDI thì dịch vụ logistics được xem là một trong những yếu tố tiên quyết. Vì thế, chi phí hàng hóa, dịch vụ giảm thiểu từ chính sách thuế VAT chính là thời cơ tốt dành cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam.

 

U&I Logistics