Tin tức

Việt Nam tiếp tục trở thành sự lựa chọn hàng đầu đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI

 26/03/2022

U&I Logistics - Sau 32 năm kể từ thời kỳ đổi mới năm 1986, Việt Nam đã trở thành một điểm đến, thu hút nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong khu vực Đông Nam Á. Tính lũy kế đến cuối năm năm 2018, cả nước có hơn 27.353 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 340 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt khoảng 191,4 tỷ USD, góp phần rất quan trọng thúc đẩy phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Việt Nam thu hút vốn đầu từ nước ngoài
Việt Nam trở thành nơi thu hút vốn đầu từ nước ngoài nhiều nhất Đông Nam Á

 

Vững lòng cộng đồng doanh nghiệp FDI

Dù có những tác động bất lợi từ đại dịch COVID-19, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đặt niềm tin vào nền kinh tế và môi trường đầu tư của Việt Nam. Gần 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp từ các doanh nghiệp FDI "rót" vào nước ta trong 2 tháng đầu năm 2022 là tín hiệu tích cực. Nhận định thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đã không "gục ngã" trước khó khăn chung do hệ luỵ từ dịch COVID-19, TS. Phan Hữu Thắng, Nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nhờ năng lực chống chọi, nền tảng vững chắc, các doanh nghiệp FDI đã xử lý tương đối tốt các tình huống và duy trì đầu tư vào Việt Nam.  Điều đáng nói là các quyết sách kịp thời của Chính phủ như Nghị quyết 105/NQ-CP, Nghị quyết số 128/NQ-CP,… đã làm vững lòng cộng đồng doanh nghiệp FDI nên dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào nước ta.

Ông Phan Hữu Thắng nhận định các doanh nghiệp FDI duy trì tốt việc đầu tư vào Việt Nam
Ông Phan Hữu Thắng nhận định các doanh nghiệp FDI duy trì tốt việc đầu tư vào Việt Nam

Từ đầu năm đến nay, Việt Nam thu hút gần 5 tỷ USD vốn FDI, dù con số này bằng 91,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cho thấy tín hiệu tích cực trong đại dịch. Đáng chú ý, vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài trong 2 tháng đầu năm đạt 2,68 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4 điểm phần trăm so với tháng 1/2022.

Nhìn lại năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư Việt Nam. Vốn đầu tư đăng ký mới và điều chỉnh đều tăng so với năm 2020, đặc biệt vốn điều chỉnh tăng mạnh tới 40,5%.

 

Dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, nhưng Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh, kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt. Đây là những nhận định của các doanh nghiệp FDI trong báo cáo kết quả điều tra Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI 2020) vừa qua. Vì đơn cử là việc “Yên tâm vì rủi ro chính sách thấp”:

  •        Trong cuộc điều tra PCI 2020, bên cạnh hơn 10,700 doanh nghiệp tư nhân còn có 1,600 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được hỏi. Kết quả điều tra PCI 2020 cho thấy, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục coi Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với lợi thế chính trị ổn định, thủ tục hành chính dần thông thoáng, thanh kiểm tra và chi phí không chính thức đã giảm bớt.
  •        Điều này chứng tỏ những thành công trong chiến lược của Việt Nam trong việc phát triển kinh tế trên cơ sở thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và phát triển khu vực tư nhân trong nước.

 

Biểu đồ các yếu tố thu hút đầu tư theo đánh giá của các doanh nghiệp FDI
Biểu đồ các yếu tố thu hút đầu tư theo đánh giá của các DN FDI

 

Việt Nam vẫn tự tin là “điểm sáng” thu hút doanh nghiệp FDI

Nói về triển vọng thu hút doanh nghiệp FDI thời gian tới, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, các nhà đầu tư vẫn nhìn nhận Việt Nam là điểm sáng với nhiều tiềm năng, cơ hội, trước mắt là về các dự án đầu tư mới, mở rộng hoặc đầu tư tăng thêm. Năm 2022 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn quốc tế. Trước hết, Việt Nam đang tích cực cải cách thủ tục hành chính nên việc khảo sát, làm các thủ tục đầu tư hay kết nối, lưu thông hàng hóa diễn ra thuận lợi. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng đang phục hồi nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng thế giới từng bước gia tăng trở lại là cơ hội để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất.

Việt Nam là điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài
Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)

Cùng với đó, các hoạt động đối ngoại của Việt Nam dự báo cũng tiếp tục sôi động; trong đó có sự chủ động lồng ghép nội dung xúc tiến đầu tư. Riêng trong chuyến sang châu Âu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cuối năm 2021, tổng giá trị các cam kết, biên bản ghi nhớ hợp tác, đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước lên tới 30 tỷ USD và sẽ là "quả ngọt" trong năm 2022 cũng như thời gian tiếp theo. Một số nhà đầu tư lớn đã tìm hiểu, thăm dò về thị trường Việt Nam từ trước và vẫn ra quyết định đầu tư dù trong bối cảnh dịch bệnh.  Đơn cử như Tập đoàn LEGO khởi công nhà máy mới rộng 44 ha tại tỉnh Bình Dương với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD. Đây là dự án FDI có số vốn lớn nhất từ Đan Mạch tại Việt Nam.

Mặt khác, nhiều công ty quy mô trung bình và nhỏ, hoặc những công ty muốn dịch chuyển chuỗi sản xuất sang Việt Nam có nhu cầu sang thực địa tận nơi để đi đến quyết định đầu tư. Các doanh nghiệp châu Âu này đang rất mong chờ, kỳ vọng vào việc đơn giản thủ tục đón khách từ các đường bay quốc tế từ ngày 15/3 tới đây.

"Nhiều nước trong khu vực cũng đã thực sự mở cửa trở lại, nếu chúng ta không tiến hành kịp thời, cùng với đó là đẩy nhanh cải cách hành chính thì sẽ có khả năng bỏ lỡ những cơ hội tốt", Phó Chủ tịch Eurocham nhấn mạnh.

Ông Takeo Nakajama, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội cho rằng thời gian gần đây, dòng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam cũng bắt đầu có sự điều chỉnh với sự tham gia nhiều của các dự án trong lĩnh vực bán lẻ, dịch vụ hướng đến thị trường nội địa của Việt Nam và thị trường xuất khẩu nhằm tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam đã tham gia.

Điển hình của sự chuyển hướng này là sự kiện Uniqlo - thương hiệu thời trang toàn cầu đến từ Nhật Bản và Tập đoàn bán lẻ AEON liên tục mở rộng kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua. Đây cũng là sự chuyển hướng tích cực nhằm vào thị trường bán lẻ tiềm năng với dân số gần 100 triệu dân của Việt Nam, cũng như triển vọng tăng trưởng kinh tế được dự báo khá tích cực trong năm 2022.

Trước đó, JETRO cũng đã công bố kết quả khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2021. Kết quả cho thấy mặc dù Việt Nam chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 trong năm 2021 nhưng các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn rất lạc quan với môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong năm 2021 và cả năm 2022. Tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản dự định sẽ mở rộng kinh doanh trong vòng 1-2 năm tới tại Việt Nam vẫn đạt 55,3%, đứng đầu khu vực ASEAN.

Ngoài doanh nghiệp Nhật Bản hay châu Âu, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch đầu tư mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc ứng phó với dịch bệnh, qua đó khẳng định Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tiềm năng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022.

Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho doanh nghiệp FDI
Ông Takeo Nakajama, Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)

 

Giải pháp tăng sức hấp dẫn trong "cuộc đua giành FDI"

FDI sẽ tiếp tục là dòng vốn đặc biệt quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bổ sung vốn, công nghệ, năng lực quản lý, khả năng kinh doanh, khả năng tổ chức và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, để tăng cường thu hút dòng vốn FDI, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho biết Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc (giảm số lượng, tăng về chất lượng), đưa hoạt động đầu tư nước ngoài chuyển sang giai đoạn mới. Trong bối cảnh nguồn cung vốn hạn chế, các quốc gia đều tranh thủ thu hút nguồn lực bên ngoài để duy trì và phục hồi nền kinh tế, cạnh tranh thu hút FDI giữa các quốc gia đang phát triển có sự tương đồng về thị trường, trình độ phát triển, công nghệ và lao động đang ngày càng gay gắt. Do vậy, để tiếp tục duy trì và tăng cường sức hấp dẫn trong thu hút doanh nghiệp FDI, nước ta cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm.

Việt Nam tiếp tục chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư 

 

Thứ nhất, rà soát, điều chỉnh kịp thời chính sách đầu tư nước ngoài cho phù hợp và theo kịp với những biến động của kinh tế toàn cầu và những thay đổi trong chiến lược thu hút doanh nghiệp FDI của các nước trên thế giới. Đồng thời tạo môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, thông thoáng, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thứ hai, đẩy nhanh quá trình cần thiết để đưa các hoạt động kinh tế, xã hội trở lại bình thường, xóa bỏ tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lao động, củng cố niềm tin và sự an tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ ba, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch, rà soát lại quy hoạch điện và đôn đốc triển khai các dự án điện, tăng cường việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bổ sung chính sách và các biện pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện thủ tục hành chính,…

Thứ tư, Chính phủ cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.

Thứ năm, chủ động phối hợp với các cơ quan ngoại giao, các hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn, công ty luật, ngân hàng, quỹ đầu tư để tiếp cận lên danh sách các doanh nghiệp đang quan tâm đến đầu tư tại Việt Nam để chủ động tiếp cận, trao đổi, mời vào đầu tư tại Việt Nam. 

 

Đồng thời, cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gẫy về nguồn lao động. Bên cạnh dạy kỹ năng nghề, cần đào tạo nâng cao kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm, khả năng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để lao động Việt Nam vừa có kỹ năng nghề cao và có tính chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

 

U&I Logistics