26/11/2024
Freight Waves - Tuy lượng container tiếp tục tăng trong tháng 10, nhưng cảng Los Angeles cho biết thời gian vận chuyển các container này đến các địa điểm khác trong nước Mỹ đã được cải thiện đáng kể.
Tổng sản lượng container tại cảng Los Angeles vào tháng 10/2024 đạt 905.025 TEU, tăng 25% so với con số 725.774 TEU của tháng 10 năm trước. Trong đó, nhập khẩu container đạt 462.740 TEU, tăng 24% so với 372.454 TEU vào cùng kỳ năm ngoái, trong khi xuất khẩu container đạt 122.716 TEU, gần như không đổi so với mức 121.277 TEU của năm trước.
Cảng cũng đã xếp dỡ 319.570 TEU rỗng, tăng 38% so với 232.043 TEU vào tháng 10/2023.
Đây là lần đầu tiên cảng Los Angeles giao nhận hơn 900.000 TEU trong 4 tháng liên tiếp. Giám đốc Điều hành Cảng Los Angeles, ông Gene Seroka chia sẻ với truyền thông vào ngày 20/11, ông cho biết sự tăng trưởng này là do doanh số bán lẻ tăng và lãi suất giảm.
“Chúng tôi đang chứng kiến sức mua ổn định từ người tiêu dùng và một nền kinh tế nhìn chung là mạnh mẽ”, ông Seroka cho biết, đồng thời nói thêm rằng tháng 10 vừa qua, một số hãng tàu đã chọn cảng Los Angeles để vận chuyển hàng hóa nhằm tránh các gián đoạn tại các cảng Bờ Đông Mỹ. Ông cũng cho biết tăng trưởng sản lượng hàng hóa đến từ việc các hãng vận tải biển tăng cường nhiều dịch vụ xuyên Thái Bình Dương hơn.
Tổng sản lượng hàng hóa từ đầu năm đến nay đạt 8.491.420 TEU, tăng 19% so với 7.123.900 TEU cùng kỳ năm trước.
Nhu cầu tăng mạnh được xác nhận bởi dữ liệu SONAR, cho thấy tổng số container nhập khẩu vào Mỹ đã tăng 8% tính đến thời điểm hiện tại.
“Lượng hàng qua Cảng Los Angeles đang tăng lên, vượt các mức cao kỷ lục trong các năm 2021-2022-2023”, nhà phân tích Mike Baudendistel, trưởng bộ phận vận tải liên phương thức và vận tải bộ của SONAR, cho biết trong một buổi trình bày hôm 19/11 tại Lễ hội F3: Tương lai ngành vận tải (Future of Freight) tổ chức ở Chattanooga, Tennessee. “Nhu cầu hàng hóa duy trì ổn định suốt cả năm”.
Ông Seroka cho biết, lượng hàng hóa tăng một phần do các vụ tấn công vào tàu thuyền ở Biển Đỏ, khiến doanh thu từ Kênh đào Suez giảm 90%, khi các hãng vận tải chuyển hướng dịch vụ từ châu Á đến Bắc Mỹ qua tuyến đường dài hơn quanh Mũi Hảo Vọng. Ông cũng nhấn mạnh rằng những gián đoạn này đã gây rối loạn chuỗi cung ứng của các hãng vận chuyển. Vào ngày 20/11 ông chia sẻ thêm rằng, hãng bán lẻ Target đã không đạt được dự báo lợi nhuận, một phần do chi phí tăng thêm từ cuộc đình công vào tháng 10 tại các cảng bờ Đông do Hiệp hội Công nhân Cảng Quốc tế (ILA) khởi xướng.
Thời gian lưu bãi container, một chỉ số quan trọng, đã được cải thiện mặc dù lưu lượng hàng hóa đạt mức kỷ lục. Trả lời câu hỏi của FreightWaves, ông Seroka cho biết số lượng container từ châu Á chờ xếp lên tàu hỏa trong 9 ngày hoặc lâu hơn đã giảm từ hơn 9.000 xuống còn khoảng 2.300 trong vài tuần qua. “Con số này so với tổng cộng 37.000 container vận chuyển đường sắt, trong đó 22.000 container phải chờ nhiều hơn 9 ngày lưu bãi trong thời gian đại dịch năm 2021-2022. Cả BNSF, Union Pacific và Pacific Harbor Line đều đã làm rất tốt trong việc đẩy nhanh việc vận chuyển hàng hóa. Phần lớn tăng trưởng là từ các container quốc tế được vận chuyển bằng đường sắt đến các điểm đến nội địa.”
Ông Seroka cho biết thời gian lưu kho trung bình hiện tại là từ 6,5 - 8,5 ngày, và cảng đang đặt mục tiêu giảm xuống còn 4 ngày, tiến tới mức như trước COVID là 2 - 3 ngày đối với hàng hóa vận chuyển trực tiếp từ cảng đến đường sắt.
Ông cũng lạc quan về triển vọng từ nay đến cuối năm và bước sang năm 2025.
“Lãi suất giảm, tỷ lệ thất nghiệp thấp và chi tiêu tiêu dùng mạnh hơn đồng nghĩa với việc hàng hóa sẽ tiếp tục được lưu thông với tốc độ ổn định”, ông cho biết. “Các hãng tàu đang vận chuyển sớm một số mặt hàng trước khi các mức thuế do chính quyền ông Trump dự kiến sẽ áp đặt trong thời gian tới. Các vấn đề an ninh ở Biển Đỏ vẫn còn tồn tại. Tết Nguyên đán năm 2025 sẽ rơi vào ngày 29/1, sau đó chúng tôi dự kiến một đợt sụt giảm hàng hóa theo truyền thống trong tháng 2 trước khi các nhà bán lẻ và nhà nhập khẩu bổ sung hàng tồn kho mùa xuân vào tháng 3”.
Theo Freight Waves
U&I Logistics