24/07/2024
Supply Chain Dive - Theo báo cáo của Xeneta, các chủ hàng đang mong muốn được hưởng lợi từ các thỏa thuận vận chuyển hàng hóa dài hạn hoặc vẫn đang “phó mặc cho diễn biến thị trường”.
Tóm tắt:
Nhu cầu thương mại điện tử ngày càng tăng, tình trạng gián đoạn vận chuyển đường biển do xung đột ở Biển Đỏ vẫn đang tiếp diễn, cộng với tình hình hoạt động sản xuất đã khiến giá cước vận chuyển hàng không toàn cầu trong tháng 6 tăng vọt 17% so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 2,62 USD/kg hàng hóa.
Ông Van de Wouw cho biết, tăng trưởng qua từng năm dự kiến sẽ tiếp tục ở mức hai chữ số vào tháng 7 và tháng 8, đặc biệt là khi so sánh với nhu cầu hàng hóa thấp vào mùa hè năm ngoái.
“Bộ máy giao thương toàn cầu đang vận hành tốt ở thời điểm hiện tại - nhưng đây có thể chỉ là khoảng lặng trước cơn bão tăng giá của cước vận tải hàng không” ông Van de Wouw cho biết.
Bất chấp kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ vào tháng 7 và tháng 8, ông Van de Wouw cũng lưu ý rằng nhu cầu hàng hóa sẽ hạ nhiệt vào quý 4 năm 2024 khi so sánh với một “thị trường hàng hóa sôi động vào quý 4 năm 2023”.
“Các chủ hàng sẽ phải trả nhiều hơn để vận chuyển hàng hóa trong suốt quý 4 sắp tới, câu hỏi đặt ra là liệu phải trả thêm bao nhiêu?”, ông van de Wouw cho biết.
Theo Xeneta, các tuyến vận chuyển Đông Nam Á - Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng giá giao ngay lớn nhất so với các tuyến vận chuyển khác, ghi nhận mức tăng 14% so với cùng kỳ năm trước, lên đến 5,32 USD/kg hàng hóa. Trong khi đó, tuyến Đông Bắc Á - Hoa Kỳ có mức tăng ít biến động hơn là 4% so với cùng kỳ năm trước, lên 4,00 USD/kg hàng hóa.
Cước giao ngay tuyến Trung Quốc - Mỹ được ghi nhận giảm 1% xuống còn 4,80 USD/kg hàng hóa.
Với thị trường vận tải hàng không đang trở nên khó đoán, các chủ hàng đang tìm cách điều chỉnh, kéo dài thời hạn các hợp đồng vận chuyển trên các tuyến ưu tiên trước nguy cơ giá cước tăng vọt trong quý cuối cùng của năm - Xeneta đưa tin.
Trong quý 2/2024, tỷ lệ hợp đồng có thời hạn hơn sáu tháng đã tăng lên 28% khi mà các chủ hàng đang muốn tránh biến động giá cước vào mùa cao điểm. Theo Xeneta, số lượng các hợp đồng có thời hạn ba tháng giảm xuống “cho thấy sự lo lắng của các chủ hàng về việc phải đàm phán giá cước ngay trước mùa cao điểm cuối năm”.
Ông Van de Wouw cho biết, những chủ hàng có thỏa thuận vận chuyển hàng hóa dài hạn sẽ ít gặp phải nguy cơ phải trả mức giá vận chuyển cao. Trong khi đó, những tay chơi phụ thuộc vào giá cước giao ngay có thể sẽ phải trả “giá đắt”
“Bước vào nửa cuối năm, đây là thời điểm then chốt để cân nhắc về các hợp đồng dài hạn hơn, bây giờ hoặc không bao giờ”, Van de Wouw cho biết. “Kết hợp các yếu tố như sự hỗn loạn trong vận chuyển đường biển, sự gia tăng các hoạt động sản xuất và nỗi sợ lỡ mất cơ hội, thì các bên tham gia vào thị trường đều đang tính toán mức độ sử dụng phù hợp giữa các hợp đồng ngắn hạn và dài hạn. Chỉ có thời gian mới trả lời được điều này, nhưng cho dù chuyện gì sẽ xảy ra, chủ hàng vẫn sẽ phải trả nhiều tiền hơn để vận chuyển hàng hóa từ Châu Á Thái Bình Dương khi tháng 9 đang đến gần hơn”.
Theo Supply Chain Dive
U&I Logistics