20/12/2024
Tuyên bố trách nhiệm: U&I Logistics trân trọng giới thiệu bản dịch bài viết của ông Robert C. O’Brien, Cố vấn An ninh Quốc gia thứ 27 của Hoa Kỳ giai đoạn 2019 - 2021 trên tạp chí National Interest. Chúng tôi tôn trọng quan điểm của ông Robert C. O’Brien, và cố gắng truyền tải thông điệp của bài chính xác nhất, nhưng không hoàn toàn đồng thuận với mọi điểm ông nêu trong bài. Bài viết là một nguồn tham khảo thuần túy và không phản ánh quan điểm về kinh tế hay đầu tư của U&I Logistics.
National Interest - Hoa Kỳ và Việt Nam đang đứng trước một cơ hội hiếm có để có thể định hình lại bối cảnh kinh tế và chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và giờ đây đã đến lúc để hai quốc gia nắm bắt cơ hội này.
Thế kỷ 21 đã và đang được định hình bằng sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc giữa các quốc gia, nơi sự thịnh vượng của các quốc gia ngày càng phụ thuộc vào thương mại, đầu tư và đảm bảo sự vận hành suôn sẻ các chuỗi cung ứng xuyên biên giới. Thực tế này đã khiến các quyết định kinh tế không thể tách rời khỏi các yếu tố chính trị.
Đối với Hoa Kỳ, việc thích nghi với mối liên kết chặt chẽ giữa những động thái địa chính trị và kinh tế là rất quan trọng để duy trì vị thế là cường quốc kinh tế và quân sự hàng đầu thế giới. Khi cạnh tranh với Trung Quốc ngày càng gay gắt, Hoa Kỳ cần ưu tiên xây dựng các mối quan hệ thương mại bền vững với các đối tác chiến lược, và Việt Nam đang sẵn sàng trở thành một đồng minh thương mại sáng giá của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ đang ở trong một cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc, do những động thái kinh tế và xem nhẹ các chuẩn mực quốc tế của Bắc Kinh. Trong suốt thời gian dài, Trung Quốc đã tiến hành hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ, thao túng tài chính, ngoại giao cưỡng bức và gián điệp kinh tế mà gần như không phải chịu trách nhiệm. Những hoạt động này làm suy yếu sự ổn định kinh tế toàn cầu và đe dọa hệ thống thương mại quốc tế vốn đã thúc đẩy sự thịnh vượng trong suốt nhiều thập kỷ.
Washington đã thực hiện nhiều hành động để đối phó với các hành vi của Trung Quốc, nhưng để có tiến triển thực sự đòi hỏi Hoa Kỳ phải phối hợp hành động với các đối tác có chung quan điểm. Đáng chú ý, các doanh nghiệp tư nhân đã bắt đầu có những thay đổi. Đối mặt với chi phí gia tăng, các quy định chặt chẽ hơn và các rủi ro địa chính trị ngày càng tăng tại Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp đang xem xét lại sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng sản xuất của Trung Quốc. Xu hướng này mang đến một cơ hội đặc biệt cho Hoa Kỳ để xây dựng các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với các quốc gia vừa có tiềm năng kinh tế vừa có sự đồng thuận chiến lược.
Việt Nam là một quốc gia theo cơ chế thị trường, các lãnh đạo quốc gia Việt Nam cũng hiểu rõ những rủi ro từ Trung Quốc. Việt Nam đã đấu tranh với Trung Quốc vì chủ quyền trên đất liền và trên biển trong suốt nhiều thập kỷ.
Trong chuyến công tác nước ngoài cuối cùng của tôi với tư cách là Cố vấn An ninh Quốc gia dưới nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump là tới Việt Nam, sau đó Việt Nam đã đề nghị tổ chức chuyến thăm của một tàu sân bay Mỹ. Đây là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn của đôi bên trong tương lai.
Những năm gần đây, Việt Nam đã nổi lên như một trong những điểm đến hàng đầu thế giới dành cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ khỏi Trung Quốc. Lực lượng lao động tay nghề cao, chi phí sản xuất cạnh tranh và cơ sở hạ tầng đang mở rộng đã thu hút các tập đoàn toàn cầu như Apple, Samsung, Nike, Adidas, Intel và Foxconn. Với vị trí gần các tuyến vận tải biển quan trọng và việc tích cực ký kết các hiệp định thương mại của Việt Nam càng làm tăng sức hấp dẫn của quốc gia này như một trung tâm sản xuất trong khu vực.
Trên nhiều phương diện, Việt Nam mang lại những lợi ích tương tự như hệ sinh thái sản xuất của Trung Quốc - mà không gặp phải các rủi ro địa chính trị tương tự. Chính phủ Việt Nam đã tích cực theo đuổi các chính sách nhằm đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu, ký kết các hiệp định thương mại với Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu và các nền kinh tế quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Những nỗ lực này đã giúp Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực.
Sớm nhận thức được những rủi ro của việc phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, chính quyền Trump đã thực hiện các bước đi quyết đoán để thúc đẩy sự tách rời kinh tế và khuyến khích đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Việt Nam nhanh chóng trở thành một lựa chọn thay thế ưu tiên, với các công ty tăng cường đầu tư vào các nhà máy và trung tâm logistics mới. Sự chuyển dịch này do các doanh nghiệp dẫn dắt đã đặt nền tảng cho một quan hệ đối tác kinh tế vững chắc hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
Khái niệm “friend-shoring” - chuyển sản xuất sang các quốc gia thân thiện - đã trở thành một yếu tố chiến lược cần thiết, không chỉ là một sự lựa chọn kinh tế. Việc Việt Nam hội nhập vào các chuỗi cung ứng do Hoa Kỳ dẫn đầu sẽ giảm thiểu các rủi ro đồng thời thúc đẩy sự ổn định kinh tế lâu dài. Việc củng cố quan hệ thương mại với Việt Nam cũng sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến Trung Quốc rằng những hành vi cưỡng ép về kinh tế của họ chỉ làm các doanh nghiệp và chính phủ toàn cầu xích lại gần nhau hơn.
Bất kỳ thỏa thuận thương mại nào cũng sẽ phải đảm bảo các hướng dẫn nghiêm ngặt về nguồn gốc của vật liệu. Các doanh nghiệp Trung Quốc không thể chỉ di dời sang Việt Nam và xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc sang Mỹ. Vì vậy, vấn đề này sẽ đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan hải quan của Hoa Kỳ và Việt Nam.
Hoa Kỳ và Việt Nam chia sẻ sự đồng thuận về các lợi ích chiến lược vào một thời điểm then chốt. Washington đã thể hiện cam kết của mình đối với việc tăng cường hợp tác kinh tế và Việt Nam cũng cần kiên quyết chống lại các hành động gây sức ép từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, lợi ích lâu dài của Việt Nam nằm ở việc thúc đẩy một hệ thống kinh tế mở, dựa trên các luật lệ, được hỗ trợ bởi các quan hệ thương mại đa dạng. Bằng cách hợp tác với Hoa Kỳ, Việt Nam có thể nâng cao khả năng phục hồi kinh tế, mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường toàn cầu và đảm bảo các chuỗi cung ứng quan trọng cho tương lai. Để làm được điều đó, Việt Nam cần phải lựa chọn trở thành đối tác của Hoa Kỳ.
Mối quan hệ Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và chiến lược cho cả hai bên. Đối với Hoa Kỳ, việc củng cố mối quan hệ với Việt Nam sẽ giảm thiểu các rủi ro về chuỗi cung ứng, mở ra các thị trường xuất khẩu mới và củng cố khuôn khổ kinh tế rộng lớn hơn của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đối với Việt Nam, việc hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu do Hoa Kỳ dẫn dắt sẽ thúc đẩy quá trình phát triển và nâng cao vị thế quốc tế.
Mối quan hệ hợp tác này có tầm quan trọng rất cao. Nền kinh tế toàn cầu ngày càng nhạy cảm với các áp lực địa chính trị, với những gián đoạn ở một khu vực thường gây ra hiệu ứng lan rộng trên toàn thế giới. Mở rộng mạng lưới các đối tác thương mại đáng tin cậy của Hoa Kỳ là điều cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài.
Đây chính là cách để giành chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh kinh tế của thế kỷ 21 - không phải thông qua sự cô lập hay phụ thuộc, mà là thông qua các quan hệ đối tác chiến lược được xây dựng trên nền tảng lợi ích chung, sự tin tưởng lẫn nhau và cam kết về các thị trường mở tự do.
Hoa Kỳ và Việt Nam đang đứng trước một cơ hội hiếm có để có thể định hình lại bối cảnh kinh tế và chiến lược của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và giờ đây đã đến lúc để hai quốc gia nắm bắt cơ hội này.
Theo National Interest
U&I Logistics