19/02/2025
The Loadstar - Vào ngày 10/2, thông báo về mức thuế quan 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ chiếm trọn các tiêu đề báo chí. Ở một diễn biến ít được chú ý hơn, thì ngành logistics có thể chịu ảnh hưởng từ một sắc lệnh hành pháp có khả năng tạo điều kiện cho tình trạng hối lộ trong các thương vụ quốc tế.
Sắc lệnh này tạm dừng việc thực thi Đạo luật Chống tham nhũng ở nước ngoài (FCPA) – một động thái có thể hỗ trợ các doanh nghiệp bị cáo buộc hồi tố – cho thấy lệnh cấm hối lộ đã gây tổn hại cho Hoa Kỳ.
Tuyên bố nêu rõ: “An ninh quốc gia của Mỹ phụ thuộc đáng kể vào việc nước này và các doanh nghiệp trong nước giành được lợi thế kinh doanh chiến lược, dù là trong lĩnh vực khoáng sản quan trọng, cảng nước sâu hay cơ sở hạ tầng và tài sản quan trọng khác”.
“Nhưng việc chính phủ Hoa Kỳ thực thi FCPA quá mức và khó lường đối với công dân và doanh nghiệp trong nước, đối với các hoạt động kinh doanh thông thường ở các quốc gia khác không chỉ lãng phí nguồn lực truy tố vốn có thể được dành để bảo vệ các quyền tự do của người Hoa Kỳ, mà còn trực tiếp gây tổn hại đến khả năng cạnh tranh kinh tế và do đó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia”.
“Do đó, chính sách từ chính quyền của tôi [Donald Trump] là duy trì thẩm quyền của Tổng thống trong việc điều hành các vấn đề đối ngoại và thúc đẩy an ninh kinh tế - quốc gia của Hoa Kỳ bằng cách loại bỏ những rào cản quá mức đối với hoạt động thương mại quốc gia ở nước ngoài”.
Sắc lệnh nêu rõ chính quyền sẽ có giai đoạn rà soát kéo dài 180 ngày, trong thời gian này sẽ không có cuộc điều tra mới nào nhắm đến FCPA, tất cả các cuộc điều tra hiện tại sẽ được xem xét lại và các chính sách sẽ được cập nhật “khi thích hợp” để đảm bảo “khả năng cạnh tranh của Hoa Kỳ”.
Giai đoạn rà soát này còn có thể được gia hạn thêm 180 ngày. Các hành động thực thi hiện tại và trước đây sau đó sẽ được xem xét lại.
“Thật không công bằng khi các công ty Hoa Kỳ không được phép chi trả hợp lý để giành hợp đồng ở nước ngoài”, ông Trump (được cho là) đã phát biểu vào năm 2020.
Bình luận về động thái này, ông Jason Miller, Giáo sư về Chuỗi cung ứng tại Đại học Bang Michigan, đã nhận xét: “Có lẽ người ta nghĩ rằng hối lộ sẽ bù đắp cho tất cả các mức thuế trả đũa mà Hoa Kỳ sắp phải gánh trên hàng xuất khẩu của mình, nhờ vào quyết định áp thuế của ngài Tổng thống?”.
Ông Miller nói thêm: “Tôi lớn lên với hình ảnh nước Mỹ như một ‘thành phố trên đỉnh đồi’ (‘shining city on a hill’), theo mô tả của cố Tổng thống của Ronald Reagan. Việc ngừng thực thi các luật chống hối lộ là một bước lùi. Tổn hại đến uy tín quốc gia của Hoa Kỳ lớn hơn rất nhiều so với bất kỳ lợi ích mà thương vụ nào có thể giành được từ những hành động như vậy”.
Tuy nhiên, phần lớn thế giới vẫn đang chao đảo trước quyết định áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Các quốc gia hiện đang tìm cách phản ứng; theo kịch bản giống như các tuyên bố thuế quan trước đó từ ông Trump, các nước cần phải có những nhượng bộ.
Sắc lệnh hành pháp nêu rõ: “Nếu Mỹ và [bất kỳ] quốc gia nào đạt được một biện pháp thay thế thỏa đáng để giải quyết mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, khiến tổng thống xác định rằng việc nhập khẩu từ quốc gia đó không còn gây nguy hại đến an ninh quốc gia, có thể dỡ bỏ hoặc điều chỉnh hạn chế đối với mặt hàng thép nhập khẩu từ quốc gia đó và, nếu cần thiết, điều chỉnh mức thuế áp dụng cho quốc gia khác…”.
Vào năm 2018, thuế quan được áp dụng đối với nguyên liệu thô, nhưng hiện nay đã mở rộng sang các linh kiện nhập khẩu quan trọng đối với các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là ngành công nghiệp ô tô.
Khoảng 25% lượng thép sử dụng tại Hoa Kỳ là thép nhập khẩu, trong đó Canada, Brazil và Mexico là những nhà xuất khẩu hàng đầu, tiếp theo là Hàn Quốc và Việt Nam. Riêng Mexico và Canada chiếm khoảng 40% tổng lượng thép nhập khẩu vào Hoa Kỳ trong năm ngoái.
Và gần một nửa lượng nhôm sử dụng tại Hoa Kỳ là nhập khẩu, trong đó Canada chiếm 79% và Mexico cũng là một nhà cung cấp quan trọng khác.
Hãng tư vấn Alix Partners cho biết thuế đối với nhôm và thép được áp dụng vào tháng tới sẽ tăng thêm 400 đến 500 đô la vào giá của một chiếc xe có giá 48.000 USD.
John Manners-Bell, CEO của công ty tư vấn và phân tích Ti, chia sẻ với The Loadstar rằng: “Vì thép là một thành phần quan trọng, chiếm khoảng 1/5 chi phí sản xuất xe, nên các mức thuế mới chắc chắn sẽ dẫn đến giá thành cao hơn cho các nhà sản xuất ô tô Hoa Kỳ”.
“Thuế quan là một hình thức đánh thuế, và thuế ảnh hưởng đến nhu cầu, vì vậy tác động sẽ được phản ánh qua doanh số bán xe giảm hoặc lợi nhuận thấp hơn, mặc dù Tổng thống Trump đã hứa sẽ cắt giảm thuế nhiều hơn, có thể thấy điều này [cắt giảm thuế] có thể giúp cân bằng bài toán này”.
Nhưng các mức thuế này cũng có thể dẫn đến các biện pháp trả đũa. Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU), Ursula von der Leyen tuyên bố: “Tôi rất tiếc về quyết định của Hoa Kỳ khi áp thuế đối với thép và nhôm xuất khẩu từ châu Âu. Thuế quan là thuế – gây tổn thương cho doanh nghiệp, đối với người tiêu dùng, mức độ tổn thương thậm chí còn cao hơn. Các mức thuế vô lý đối với EU sẽ không bị bỏ qua, chúng sẽ kích hoạt các biện pháp đáp trả cứng rắn và tương xứng”.
“EU sẽ hành động để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình. Chúng tôi sẽ bảo vệ người lao động, doanh nghiệp và người tiêu dùng của chúng tôi”.
Kết quả cuối cùng có thể là giá cả tăng cao trên toàn cầu hoặc sự sụt giảm trong thương mại ô tô quốc tế – kéo theo những tác động không thể tránh khỏi đối với hoạt động logistics.
Theo The Loadstar
U&I Logistics