Company news

Chúng ta cần biết những rủi ro trong chuỗi cung ứng thực sự nằm ở đâu

 30/09/2024

The Financial Times - Phân tích dữ liệu mới từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho thấy rằng không phải lúc nào rủi ro cũng nằm ở những nơi mà chúng ta nghĩ.

chung-ta-can-biet-nhung-rui-ro-trong-chuoi-cung-ung-thuc-su-nam-o-dau
Nguồn: Matt Kenyon

Dù có một nền kinh tế tương đối mạnh mẽ, nhưng với người Mỹ, thì những lo ngại về vấn đề an ninh kinh tế vẫn luôn dai dẳng. Từ việc chính quyền Biden-Harris phản đối Nippon Steel mua lại US Steel, sang các đề xuất thuế quan đối với các thiết bị cẩu do Trung Quốc sản xuất có thể được sử dụng cho việc giám sát kỹ thuật số, cho đến những lo ngại về việc tiếp cận các khoáng sản quý hiếm và các linh kiện cần thiết cho các ngành công nghiệp quan trọng mà các đối thủ của nước Mỹ đang chiếm ưu thế, cho thấy rõ ràng rằng việc tạo ra các chuỗi cung ứng bền vững hơn là một vấn đề then chốt với người Mỹ. Và điều này sẽ vẫn giữ nguyên bất kể ai thắng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới đây.

Chuỗi cung ứng là chủ đề đã nhận được nhiều sự chú ý trong các buổi thảo luận tại Washington, khi Bộ Thương mại tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về chuỗi cung ứng và tổ chức một loạt cuộc họp với nhiều ông lớn trong ngành công nghiệp Mỹ, các đồng minh nước ngoài, học giả và các nhà xã hội dân sự để thảo luận về cách xác định và quản lý các rủi ro hệ thống trong chuỗi cung ứng.

Đây là một phần trong nỗ lực của Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, bà cho biết điều bất ngờ lớn nhất bà nhận thấy trong nhiệm kỳ của mình là “chính phủ liên bang đã chưa nhận biết được làm như thế nào để xác định và phản ứng với các sự cố làm gián đoạn chuỗi cung ứng, và nhận thấy cách tiếp cận vấn đề này vẫn còn thiếu tinh tế như thế nào trong thời gian dài.”

chung-ta-can-biet-nhung-rui-ro-trong-chuoi-cung-ung-thuc-su-nam-o-dau
Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo

Một phần của vấn đề này là do thực tế rằng các bên nắm giữ thông tin tốt nhất và chi tiết nhất về chuỗi cung ứng là các công ty tư nhân. Họ có xu hướng tìm hiểu những rủi ro riêng lẻ trong các lĩnh vực cụ thể, thay vì các vấn đề mang tính hệ thống trên toàn bộ nền kinh tế. Trong khi đó, chính phủ có thể nhận diện được nhu cầu về khả năng chống chịu tốt hơn trong những lĩnh vực quan trọng cho an ninh kinh tế hoặc quốc gia - chẳng hạn như chất bán dẫn hoặc dược phẩm - nhưng lại có rất ít hiểu biết về các chi tiết của từng chuỗi cung ứng, hoặc cách những lĩnh vực như vậy có thể tương tác với các địa hạt khác như logistics, vận tải, năng lượng hoặc điện trong bối cảnh khủng hoảng.

Sự bất đối xứng này đã thể hiện rõ ràng nhất trong suốt thời điểm đại dịch, và đó là lý do tại sao bà Raimondo đã tái định hình Bộ Thương mại để tập trung vào chuỗi cung ứng nhiều hơn. Một trụ cột chính trong nỗ lực đó là phát triển phân tích dữ liệu mạnh mẽ hơn để theo dõi chính xác những điểm nghẽn tiềm ẩn trong nền kinh tế Mỹ.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ Thương mại Mỹ đã phát triển Scale Tool, một hệ thống tính toán bao gồm dữ liệu từ toàn bộ nền kinh tế hàng hóa của Mỹ. Dữ liệu này được xác định và phân loại theo nhiều ngành công nghiệp khác nhau, khu vực địa lý và các chỉ số rủi ro (địa chính trị, môi trường, an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng…). Mục tiêu là tạo ra một bức tranh cực kỳ chi tiết về những chỗ nào có thể thực sự dễ bị tổn thương và khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ.

Điều này đòi hỏi bà Raimondo và các cộng sự phải làm quen với những vấn đề phức tạp ví dụ như, các thành phần cấu thành hệ thống làm mát của trung tâm dữ liệu AI. Mặc cho một sự thật đã được thừa nhận từ lâu rằng sử dụng AI là một điểm dễ bị tổn thương của Mỹ, nhưng điểm yếu này chủ yếu được đưa ra từ góc độ liệu Mỹ có thể cung cấp lượng điện năng lớn cần thiết cho các trung tâm dữ liệu AI hay không, cũng như khả năng phục hồi của các lưới điện hỗ trợ chúng là như thế nào.

Trong các cuộc thảo luận với các giám đốc điều hành, bà Raimondo đã bắt đầu nhận ra rằng bản thân cấu trúc vật lý của các trung tâm AI cũng là một điểm nghẽn tiềm ẩn. “Tôi nhận ra rằng hệ thống đó rất phức tạp và chúng ta sẽ phải đi sâu vào những vấn đề khác nữa, như hệ thống làm mát, giá đỡ và các thành phần.”

Khi nhóm nghiên cứu của bà Raimondo đưa trường hợp rủi ro này vào Scale Tool, những phát hiện của họ không chỉ xác thực mà còn bổ sung thêm nhiều thông tin ít được kiểm chứng trước đây từ ngành công nghiệp của nước Mỹ. Không chỉ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt các thành phần làm mát, mà người Mỹ còn cần thêm các động cơ diesel dự phòng trong trường hợp lưới điện bị gián đoạn.

Từ ví dụ này, cùng với nhiều ví dụ khác, cho thấy sự cần thiết trong sử dụng cả dữ liệu định tính và định lượng từ ngành công nghiệp và khu vực công để thực sự hiểu rõ rủi ro trong chuỗi cung ứng. Mặc dù có nhiều cuộc thảo luận về an ninh kinh tế mang tính chính trị cao - điển hình là trường hợp của Nippon Steel - thì các lỗ hổng thực sự có xu hướng đến từ những nơi không ngờ tới, ảnh hưởng theo cách mà không một nhà hoạch định chính sách hoặc doanh nhân nào có thể dự đoán được.

Chúng ta biết rằng vẫn còn rất nhiều rủi ro trên quy mô toàn nền kinh tế chưa được hiểu rõ hoặc trình bày đúng mực. Dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy 57% các ngành công nghiệp ở Mỹ sẽ cần tới 6 tháng để quay trở lại mức sản xuất bình thường nếu ngành vận tải xảy ra gián đoạn trong 1 tuần. Quá nhiều để kịp dịch chuyển từ mô hình sản xuất tức thời (just in time) sang mô hình sản xuất đề phòng rủi ro (just in case).

Tương tự, có những điểm dễ bị tổn thương như lực lượng lao động và thương mại mà khó có thể dự đoán được nếu không đào sâu vào dữ liệu chi tiết ở nhiều cấp độ của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong kịch bản lý tưởng, việc có nhiều dữ liệu hơn sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách gửi những tín hiệu cầu có mục tiêu cụ thể đến các ngành công nghiệp trong nước (thông qua các khoản trợ cấp tài chính hoặc ưu đãi thuế cụ thể và có tính chiến lược), nhằm tăng cường khả năng phục hồi mà không làm biến dạng nền kinh tế hoặc hệ thống thương mại nói chung. Dữ liệu này cũng có thể được sử dụng để cải thiện hiệu quả của các cuộc đàm phán thương mại với các đồng minh, và tháo gỡ những rào cản trong việc hoạch định chính sách giữa các cơ quan. Người viết (tác giả kỳ cựu Rana Foroohar) mong được thấy Hội đồng Cạnh tranh Nhà Trắng, bao gồm các Bộ Thương mại, Ngân khố, Vận tải và các bộ khác, sử dụng những công cụ như vậy để tạo ra các chính sách tốt hơn.

Trong câu chuyện về an ninh kinh tế, cũng như trong mọi lĩnh vực khác, dữ liệu chính là sức mạnh.

Theo The Financial Times

U&I Logistics