Company news

Cảng Singapore thiết lập kỷ lục mới về số tàu cập cảng và lượng container xếp dỡ trong năm 2024

 21/01/2025

The Straits Times - Cảng Singapore ghi nhận kỷ lục mới với 3,11 tỷ tấn tổng dung tích tàu cập cảng vào năm 2024, tăng so với mức cao trước đó là 3,09 tỷ tấn vào năm 2023.

cang-singapore-thiet-lap-ky-luc-moi-ve-so-tau-cap-cang-va-luong-container-xep-do-trong-nam-2024
Nguồn: Straits Times

Tổng dung tích tàu cập cảng hàng năm - tức là tổng thể tích bên trong tất cả tàu cập cảng trong vòng một năm, bao gồm buồng máy và không gian không dùng để chứa hàng hóa - là một thước đo phổ biến trong ngành hàng hải để đánh giá lưu lượng tàu đến một cảng.

Trong năm 2024, cảng Singapore cũng đã xử lý 41,12 triệu TEU - mức cao nhất mọi thời đại - thông tin từ Cơ quan Hàng hải và Cảng biển Singapore (MPA) công bố vào ngày 15/1. Thành tích này vượt xa kỷ lục trước đó 39,01 triệu TEU vào năm 2023.

Số liệu này đã được MPA công bố tại Hội nghị Đối thoại đầu năm do Quỹ Hàng hải Singapore (SMF), một sự kiện thường niên của ngành hàng hải.

Là cảng container tấp nập thứ hai trên thế giới chỉ sau cảng Thượng Hải, cảng Singapore cũng ghi nhận nhiều kỷ lục mới ở các hạng mục khác, bao gồm doanh số bán nhiên liệu và hỗn hợp nhiên liệu sinh học, cũng như tổng dung tích tàu đăng ký tại Singapore.

Bên cạnh đó, MPA còn cho biết công tác cải tạo cho giai đoạn hai của siêu cảng Tuas đã hoàn thiện khoảng 75%, với 11 bến cảng hiện đã đi vào hoạt động. Dự kiến 7 bến nữa sẽ được vận hành vào năm 2027.

cang-singapore-thiet-lap-ky-luc-moi-ve-so-tau-cap-cang-va-luong-container-xep-do-trong-nam-2024
Giai đoạn hai của siêu cảng Tuas đã hoàn thiện khoảng 75%. Nguồn: MPA

Quá trình xây dựng cảng Tuas được chia thành 4 giai đoạn, dự kiến đây sẽ là cảng tự động hóa hoàn toàn lớn nhất thế giới sau khi hoàn tất vào năm 2040.

Đến năm 2027, hoạt động tại các bến cảng Tanjong Pagar, Keppel và Brani sẽ được chuyển đến siêu cảng trị giá 20 tỷ USD này. Bến Pasir Panjang sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi được hợp nhất vào cảng Tuas vào những năm 2040.

Năm 2024, cảng Singapore đã xếp dỡ tổng cộng 622,67 triệu tấn hàng hóa, tăng trưởng so với mức 592,01 triệu tấn vào năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trước đại dịch là 626,52 triệu tấn năm 2019.

Một kỷ lục khác được thiết lập là sản lượng nhiên liệu bán ra đạt mức 54,92 triệu tấn vào năm 2024 - tăng 6% so với mức 51,82 triệu tấn năm 2023. Tiếp nhiên liệu chính là quá trình cung cấp nhiên liệu cho tàu biển.

MPA cho rằng sự gia tăng này một phần đến từ việc các tuyến vận tải giữa châu Á và châu Âu phải kéo dài do sự gián đoạn tại Biển Đỏ, khu vực nằm giữa châu Á và châu Phi.

Báo cáo nhấn mạnh rằng Singapore đã đạt “bước tiến ổn định” trong vai trò là cảng tiếp nhiên liệu hàng đầu thế giới, chiếm hơn 1/6 tổng nhiên liệu được sử dụng trong vận tải biển toàn cầu vào năm 2024.

cang-singapore-thiet-lap-ky-luc-moi-ve-so-tau-cap-cang-va-luong-container-xep-do-trong-nam-2024

Về tình trạng ùn tắc cảng do khủng hoảng tại Biển Đỏ vào giữa năm 2024, Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore (MPA) cho biết họ đã hợp tác với nhà vận hành cảng PSA Singapore và công đoàn để giải quyết vấn đề bằng cách đưa các bến mới tại cảng Tuas vào hoạt động, đồng thời tái sử dụng các bến và kho bãi tại khu vực Keppel.

Cơ quan còn tăng cường lực lượng lao động, đồng thời kết hợp các tuyến vận chuyển hàng hóa và các tuyến trung chuyển để tối ưu hóa lịch trình hoạt động, đồng thời lần đầu tiên cho phép hoạt động kéo tàu vào ban đêm dành cho các sà lan container đến và đi từ cảng Pasir Panjang. Các tuyến trung chuyển vận chuyển hàng hóa từ các cảng nhỏ hơn đến các cảng lớn hơn.

Kể từ tháng 11/2023, các tàu đã phải chọn tuyến đường vòng qua Nam Phi để tránh các cuộc tấn công của phiến quân Houthi tại Biển Đỏ. Điều này làm gián đoạn lịch trình vận chuyển, gây chậm trễ chuyến và giảm số lần ghé cảng.

Một cột mốc mới khác của cảng Singapore trong năm 2024 là doanh số bán nhiên liệu thay thế đạt 1,34 triệu tấn.

Doanh số bán hỗn hợp nhiên liệu sinh học - kết hợp giữa nhiên liệu sinh học từ sinh khối, như phế phẩm nông nghiệp, với nhiên liệu hàng hải truyền thống - tăng từ 520.000 tấn năm 2023 lên 880.000 tấn năm 2024, theo MPA.

Lượng khí tự nhiên hóa lỏng bán ra cũng tăng từ 110.000 tấn năm 2023 lên đến 460.000 tấn năm 2024.

Đáng chú ý là lần đầu tiên trên thế giới, cảng Singapore đã thử nghiệm cung cấp 9,74 tấn amoniac làm nhiên liệu, đồng thời cung cấp thương mại 1,626 tấn methanol.

Tổng dung tích đội tàu đăng ký tại Singapore lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu tấn - đạt mức kỷ lục 108 triệu tấn trong năm 2024, tăng từ 99,6 triệu tấn năm 2023.

cang-singapore-thiet-lap-ky-luc-moi-ve-so-tau-cap-cang-va-luong-container-xep-do-trong-nam-2024
Tổng dung tích đội tàu đăng ký tại Singapore lần đầu tiên vượt mốc 100 triệu tấn. Nguồn: anekoho/Adobe Stock

Các công ty hàng hải chủ chốt do MPA quản lý đã chi tổng cộng 5,2 tỷ USD trong năm 2024, tăng từ 4,8 tỷ USD năm 2023.

Hơn 30 công ty hàng hải - trong các lĩnh vực như vận tải, bảo hiểm và công nghệ hàng hải - đã thành lập hoặc mở rộng hoạt động tại Singapore trong năm 2024.

Về phát triển bền vững, MPA cho biết nhà thầu chính cho dự án phát triển giải pháp tạo năng lượng và tiếp nhiên liệu amoniac ít hoặc không phát thải carbon trên đảo Jurong dự kiến sẽ được công bố vào năm 2025.

Khởi động từ tháng 12/2022, dự án này sẽ hỗ trợ tiếp nhiên liệu amoniac với công suất ít nhất 100,000 tấn mỗi năm, bắt đầu bằng phương pháp tiếp nhiên liệu từ bờ lên tàu, sau đó là từ tàu sang tàu.

MPA, phối hợp với cơ quan thương mại Enterprise Singapore và các đối tác khác, cũng đã xây dựng tài liệu tham khảo kỹ thuật - bộ hướng dẫn - cho hệ thống sạc và thay pin điện tại Singapore, dự kiến công bố trong vài tháng tới.

Bước sang năm 2025, MPA dự báo ngành hàng hải của Singapore sẽ tăng trưởng ổn định, mặc dù triển vọng chung của ngành trong năm có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi các biến động địa chính trị và sự thay đổi trong mô hình thương mại.

Cơ quan này cũng dự đoán một số tuyến thương mại sẽ được tái định tuyến và các phân khúc vận tải chính như tàu container và tàu chở dầu sẽ tiếp tục hoạt động tốt hơn so với thời kỳ trước đại dịch.

Và lưu ý rằng chuỗi cung ứng khu vực đang thích nghi với nhu cầu và sản xuất ngày càng tăng tại châu Á, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các cảng trong khu vực.

MPA cam kết sẽ tiếp tục phát triển năng lực trong các lĩnh vực mới nổi như không gian, máy bay không người lái và an ninh mạng để hỗ trợ các doanh nghiệp hàng hải.

cang-singapore-thiet-lap-ky-luc-moi-ve-so-tau-cap-cang-va-luong-container-xep-do-trong-nam-2024
Nguồn: MPA

Phát biểu tại sự kiện của SMF tại khách sạn Orchard ngày 15/1, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Pháp luật - Murali Pillai cho biết, kể từ khi Trung tâm Đào tạo Năng lượng Hàng hải được thành lập vào tháng 4/2024, đã có 430 nhân viên hàng hải đã hoàn thành khóa đào tạo tại đây. Trung tâm này trang bị cho người lao động các kỹ năng xử lý nhiên liệu hàng hải sạch.

Ông Murali cũng cho biết rằng thử nghiệm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho tàu đăng ký tại Singapore đã được thực hiện cho một nhóm nhỏ các công ty vận tải biển và dự kiến sẽ mở rộng ra toàn ngành vào nửa cuối năm 2025.

Hiện tại, quá trình cấp giấy chứng nhận mới mất vài ngày và gia hạn mất 15 phút. Quy trình mới sẽ rút ngắn thời gian cho cả hai loại hồ sơ xuống còn 3 phút.

Về triển vọng ngành hàng hải tại Singapore năm 2025, ông Murali nhận định rằng sẽ có vài sự bất ổn do môi trường toàn cầu ngày càng thách thức, như căng thẳng địa chính trị leo thang, sự trở lại của các chính sách thương mại bảo hộ, sự thay đổi trong dòng chảy thương mại và cạnh tranh ngày càng gay gắt với các cảng trong khu vực.

Tuy nhiên, ông bày sự tỏ tin tưởng rằng ngành này sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, công đoàn cũng như các đối tác từ các tổ chức và chính phủ quốc tế.

Phó Giáo sư Yap Wei Yim, Trưởng bộ môn Quản lý Hàng hải tại Đại học Khoa học Xã hội Singapore, dự đoán rằng căng thẳng thương mại gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ gây ra sự bất ổn cho thương mại toàn cầu năm 2025.

Ông cho rằng điều này có thể đặt nền móng cho một môi trường hàng hải đầy thách thức với mức thuế cao hơn, ảnh hưởng đến nhu cầu vận chuyển container tại Singapore.

The Straits Times

U&I Logistics