Company news

Các hãng vận tải biển lớn nâng cao lợi nhuận kỳ vọng sau khi giá cước tăng trở lại

 15/07/2024

Furniture TodayBa trong số các hãng vận tải biển lớn nhất thế giới đã nâng cao triển vọng tăng trưởng cho phần còn lại của năm. Những triển vọng này được đưa ra vào thời điểm giá cước container đang tăng vọt trên tất cả các tuyến thương mại đường biển.

Các hãng vận tải biển lớn nâng cao lợi nhuận kỳ vọng sau khi giá cước tăng trở lại

Maersk, hãng vận tải biển lớn thứ hai thế giới đã bắt đầu nâng cao triển vọng tăng trưởng của mình vào đầu tháng 6.

“Với nhu cầu thị trường vận chuyển container liên tục tăng mạnh và sự gián đoạn do cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Biển Đỏ, hiện tại Maersk nhận thấy đang có dấu hiệu tắc nghẽn tàu hàng ở các cảng biển, đặc biệt là ở Châu Á và Trung Đông, từ đó dẫn đến việc tăng giá cước vận chuyển container”, công ty viết trong một thông cáo. “Việc tăng giá cước vận chuyển dự kiến ​​sẽ góp phần giúp hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào nửa cuối năm 2024”.

Maersk kỳ ​​vọng thu nhập trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) cơ bản là 7 - 9 tỷ USD (kỳ vọng trước đó là 4 - 6 tỷ USD) và dòng tiền tự do ít nhất là 1 tỷ USD (trước đó ước tính là -2 tỷ USD).

“Trong những tháng qua, thị trường vận chuyển container đã bước vào một giai đoạn mới, nguyên nhân của sự thay đổi này là do sự gián đoạn từ cuộc khủng hoảng Biển Đỏ và những tác động lan tỏa lên chuỗi cung ứng toàn cầu sau đó”, theo Vincent Clerc - Tổng Giám đốc điều hành của hãng tàu Maersk. “Trong khi nhu cầu vận chuyển container vẫn đang tăng mạnh, nguồn cung đã chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực do các chuyến tàu đi bị trễ lịch, tàu phải đi vòng các tuyến đường dài hơn, tình trạng thiếu thiết bị (container) và sự chậm trễ trong vận chuyển dẫn đến tình trạng tắc nghẽn gia tăng tại một số cảng chính ở Châu Á và Trung Đông. Chính sự mất cân bằng cung cầu này đã ngay lập tức gây tác động lớn đến giá cước vận tải đường biển.

“Sau quý đầu tiên ổn định, ngay trong tháng 4 và tháng 5 thị trường đã chứng kiến giá cước vận chuyển container đường biển tăng mạnh ở nhiều khu vực”, ông Vincent Clerc nói thêm. “Các mối đe dọa đối với các tàu thương mại vận chuyển qua vùng Biển Đỏ và tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng ngày càng gia tăng cho thấy tình hình này sẽ không sớm cải thiện. Sẽ cần nhiều tàu hơn dự kiến ​​để giải quyết những vấn đề này và ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu. Điều này khiến chúng tôi (hãng tàu Maersk) phải đánh giá lại triển vọng tăng trưởng cho phần còn lại của năm và nâng cấp hướng dẫn tài chính của mình”.

Hãng tàu đến từ Israel - ZIM, hiện là hãng vận tải container lớn thứ 10 thế giới, cũng đã tăng kỳ vọng của hãng về EBITDA. Hiện tại, hãng dự đoán EBITDA sẽ đạt từ 1,15 tỷ - 1,55 tỷ USD, tăng từ 850 triệu USD - 1,45 triệu USD. Trong quý đầu tiên của năm 2024, ZIM ghi nhận lợi nhuận  ròng là 92 triệu USD, tăng mạnh so với mức lỗ ròng là 58 triệu USD vào cùng quý năm ngoái.

Hãng tàu ZIM cho rằng kết quả tăng trưởng này là nhờ “sự chuyển đổi chiến lược” cũng như “sự gia tăng đáng kể của giá cước vận tải toàn cầu”.

Eli Glickman, Giám đốc điều hành của hãng tàu ZIM cho biết: “Chúng tôi (hãng tàu ZIM) kỳ ​​vọng giá cước vận chuyển sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến ​​do những áp lực liên tục tác động đến nguồn cung, mức độ sẵn có của container cùng với nhu cầu vận chuyển gia tăng trong thời gian gần đây”.

Hãng tàu Hapag-Lloyd của Đức, hãng vận tải biển lớn thứ năm thế giới, cũng đã bắt đầu gia tăng triển vọng tăng trưởng của hãng trong năm nay. Dù cho doanh thu quý đầu tiên của năm 2024 giảm so với năm ngoái, hãng vẫn cho rằng điều kiện kinh doanh trong thời điểm hiện tại là "tích cực”.

Hapag-Lloyd đã tăng kỳ vọng về EBITDA đến hai lần. Vào tháng 3 năm nay, hãng đã tăng mức kỳ vọng EBITDA lên 2 - 3 tỷ Euro (từ mức kỳ vọng ban đầu 1 - 3 tỷ Euro). Đến tháng 5 năm nay, công ty tiếp tục tăng kỳ vọng tăng trưởng EBITDA lên 2,2 - 3,3 tỷ Euro.

Tính đến cuối tháng 6, giá cước container giao ngay trung bình là 5.117 USD/ Container 40 ft (Theo Drewry). Giá cước từ Thượng Hải đến Los Angeles là 6.441 USD, trong khi giá cước từ Thượng Hải đến New York là 7.552 USD. Các nhà nhập khẩu đồ nội thất tiết lộ mức giá giao ngay hàng hóa hiện nay lên tới 7.000 USD cho container đến Bờ Tây Hoa Kỳ và 9.000 USD cho container đến Bờ Đông Hoa Kỳ.

Theo Furniture Today

U&I Logistics