Tin tức

Xem xét lại mạng lưới các nhà cung cấp trong thời kỳ đại dịch COVID-19

 07/07/2022

U&I Logistics - Đại dịch đã thay đổi bản chất của chuỗi cung ứng toàn cầu, bắt đầu từ việc các công ty tìm kiếm nguồn hàng từ nhiều nơi nhằm giảm thiểu gián đoạn trong vận chuyển và sản xuất.

Ông Choi Na Young Hwan, người đứng đầu bộ phận nhóm phân tích logistics quốc tế tại Viện Hàng hải Hàn Quốc Think Tank phát ngôn: “Những ngày mà chi phí vận tải và logistics ở mức thấp đã không còn nữa. Các công ty sẽ muốn có lượng hàng tồn kho lớn hơn trong trường hợp có điều gì đó không may xảy ra. Điều đó có nghĩa là sẽ cần thêm nhiều nhà kho hơn”.

Hoạt động khai thác cảng trên khắp thế giới rơi vào tình trạng hỗn loạn trong hai năm qua, với các container chất đống tại các bến cảng vì thiếu nhân công xếp hàng và tài xế xe tải chuyên chở. Tỷ lệ vận chuyển tăng lên mức kỷ lục vào năm 2021 khi các nhà xuất khẩu ở châu Á đua nhau vận chuyển hàng hóa đến khách hàng ở Mỹ và châu Âu bằng cách sử dụng không gian còn hạn chế trên tàu.

Mặc dù Trung Quốc là công xưởng sản xuất hàng hóa quy mô toàn cầu trong nhiều năm, nhưng nhiều công ty đang tìm kiếm thêm các giải pháp để giảm thiểu sự gián đoạn, ông Choi cho biết.

“Những xáo trộn sẽ tiếp tục kéo dài trong năm tới do tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu đang còn rất mỏng manh sau đại dịch nên bất kỳ sự kiện nào, dù nhỏ hay lớn đều sẽ ảnh hưởng đến dòng chảy của hàng hóa”, ông Choi nói. “Việc kết thúc hai tháng ngừng hoạt động ở Thượng Hải, nơi có cảng container nhộn nhịp nhất thế giới, được kỳ vọng sẽ giúp cải thiện tình trạng tắc nghẽn. Tuy nhiên, vấn đề lại tập trung chuyển sang phía châu Âu, nơi các tàu đang chờ đợi lâu hơn để dỡ hàng của họ”.

Một con tàu hướng về cảng Long Beach (Tim Rue / Bloomberg News).

Trong khi đó, cuộc chiến ở Ukraine đã khiến các container do Nga liên kết chất thành đống tại một số cảng ở châu Âu, gây ra tình trạng tồn đọng và làm gián đoạn dòng chảy của các thùng hàng có sẵn cho các nhà xuất khẩu ở châu Á. Các công nhân đóng tàu ở Đức đã đình công vào đầu tháng này, làm tăng thêm áp lực tại các bãi container ở các bến cảng lớn.

Một nhà cung cấp thông tin thị trường hàng hải cho biết, thời gian chờ đợi trung bình của các tàu container tại cảng Bremerhaven của Đức đã tăng lên 33 giờ vào tuần trước. Khoảng 60% tàu đi từ châu Âu đến châu Á trong tháng 4 và tháng 5 đã bị hoãn, song đó là 13 tàu đang đợi bến ở Rotterdam tính đến ngày 17/6, Kuehne + Nagel International AG cho biết.

Tại Hàn Quốc, các tài xế xe tải đã quay trở lại làm việc vào tuần trước sau cuộc đình công kéo dài 7 ngày khiến hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Ông Choi nói: “Chỉ khi bạn nghĩ rằng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, thì một điều gì đó bất ngờ khác sẽ xảy ra khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Những việc này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Sự gián đoạn càng kéo dài thì thời gian giải quyết vấn đề càng lâu”.

U&I Logistics