31/07/2024
U&I Logistics - Nhiều nhóm tin tặc đang đe dọa ngành công nghiệp vốn từ lâu đã phải đối mặt với những lo ngại về an ninh.
Ngành vận tải biển đang phải đối mặt với sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công mạng khi các tranh chấp địa chính trị thúc đẩy các nhóm tin tặc có liên hệ với nhà nước nhắm vào hoạt động thương mại toàn cầu.
Chủ tàu, cảng biển và các biên liên quan khác trong ngành hàng hải đã phải đối mặt với ít nhất 64 sự cố mạng vào năm 2023, theo ghi nhận từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Ứng dụng NHL Stenden (Hà Lan) thực hiện dựa trên tổng kết từ các doanh nghiệp, phương tiện truyền thông và báo cáo học thuật. Một thập kỷ trước, chỉ có ba sự cố được ghi nhận, và hai thập kỷ trước (năm 2003), con số này là 0.
Theo dữ liệu từ trường đại học vốn chuyên đào tạo người đi biển này, thì hơn 80 phần trăm các sự cố được xác định kể từ năm 2001 với đối tượng tấn công được xác định có nguồn gốc từ Nga, Trung Quốc, Triều Tiên hoặc Iran.
Ông Guy Platten, tổng thư ký Phòng Thương mại Vận tải Biển Quốc tế (International Chamber of Shipping), đại diện cho nhóm chủ tàu kiểm soát khoảng 80% đội tàu thương mại trên thế giới, cho biết, “Hệ thống trật tự dựa trên luật lệ quốc tế [vốn tạo thuận lợi cho vận chuyển] kể từ Thế chiến thứ hai đang bị đe dọa hơn bao giờ hết”.
Các cuộc tấn công mạng gần đây đã nêu bật cách mà các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông đã làm mất ổn định toàn cầu hóa thông qua sự gián đoạn trong ngành vận tải biển, lĩnh vực đảm trách 80% lượng hàng hóa được giao dịch quốc tế.
Các chuyên gia hàng hải cho rằng ngành vận tải biển trong nhiều thế kỷ trước đã phải vất vả đương đầu với các mối đe dọa an ninh hữu hình, thì nay lại không được chuẩn bị đầy đủ cho tình trạng tấn công trực tuyến.
Ông Stephen McCombie, giáo sư an ninh công nghệ thông tin (CNTT) hàng hải tại NHL Stenden cho biết: "Chi tiêu cho lĩnh vực CNTT trong ngành hàng hải khá vẫn còn khá khiêm tốn". "Các chủ tàu đang săn lùng nhân sự vừa có kiến thức về hàng hải và kiến thức về an ninh mạng, nhưng đó là một nhóm rất nhỏ".
Các chuyên gia cũng cảnh báo rằng một cuộc tấn công mạng trong lúc này có nguy cơ gây ra thêm hỗn loạn lớn, vì đây là thời điểm mà các chủ tàu đang phải vật lộn với tác động của các cuộc xung đột toàn cầu lên các tuyến thương mại.
Ông Tom Walters, một luật sư kinh nghiệm về vận tải biển tại công ty luật HFW, người đã hỗ trợ khách hàng giải quyết các sự cố mạng, cho biết quá trình số hóa trên các con tàu, cũng như việc sử dụng các thiết bị internet mới được mở rộng gần đây nhờ các vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp (LEO), đang tạo ra những cơ hội mới cho các cuộc tấn công mạng.
Ông cảnh báo rằng một cuộc tấn công vào hệ thống của tàu có khả năng gây ra sự gián đoạn ở quy mô tương tự như vụ tai nạn cầu Baltimore hồi tháng 3 vừa qua, khiến một trong những cảng nhộn nhịp nhất của Hoa Kỳ phải đóng cửa, buộc các nhà sản xuất ô tô phải định tuyến lại các chuyến hàng và khiến các công ty bảo hiểm phải đối mặt với các yêu cầu bồi thường lên tới hàng tỷ đô la.
Các sự cố mạng đáng chú ý được ghi nhận gần đây bao gồm một cuộc tấn công trong năm 2020 vào cảng Rajaee của Iran, nơi tiếp nhận gần một nửa hoạt động thương mại nước ngoài của quốc gia này, và một cuộc tấn công vào năm ngoái đã đánh sập trang web của cảng Rotterdam, cảng lớn nhất châu Âu.
Còn với AP Møller-Maersk, ông lớn kiểm soát khoảng 15 phần trăm năng lực vận chuyển container của thế giới, hãng tàu này đã không thể tiếp nhận đơn hàng của khách hàng và phải điều chỉnh lịch tàu sau khi hệ thống CNTT bị ngắt kết nối do cuộc tấn công phần mềm độc hại NotPetya vào năm 2017.
Ông McCombie cho biết tội phạm mạng cũng "nhìn thấy cơ hội" để tống tiền. Nhóm này "hiểu rằng ngành vận tải biển cần phải luôn luôn hoạt động" và do đó, nạn nhân của các cuộc tấn công (chủ tàu) có nhiều khả năng buộc phải trả tiền chuộc để đưa hệ thống trở lại bình thường.
Nguồn: Financial Times
U&I Logistics