17/09/2024
Splash 247 - Hãng môi giới tàu BRS đã cập nhật thông tin về một trong những chủ đề chính của ngành vận tải biển năm 2024 – sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong sản lượng đóng tàu toàn cầu.
Các xưởng đóng tàu của Trung Quốc đang được mở rộng hoặc tái hoạt động khi quốc gia này tiếp nhận số lượng đơn hàng kỷ lục kéo dài đến tận năm 2027.
Theo số liệu thống kê từ BRS, xét về khối lượng bàn giao tàu mới, đơn đặt hàng đóng mới và đơn hàng chưa hoàn thành, thị phần của Trung Quốc chiếm lần lượt 55%, 74,7% và 58,9% trong nửa đầu năm nay.
Dữ liệu từ BRS cho thấy, 11 nhà máy đóng tàu của Trung Quốc đã công bố kế hoạch tăng công suất. Dự kiến, tổng công suất của các xưởng này sẽ tăng 80% từ năm 2024 đến 2027. Ngoài ra, một số xưởng đóng tàu đã đóng cửa trước đây đã được mở cửa hoạt động trở lại nhằm đáp ứng sự phục hồi của thị trường đóng tàu và lượng đơn đặt hàng tăng đột biến.
Ngoài ra, một số xưởng đóng tàu đã đóng cửa trước đây đã hoạt động trở lại nhằm đáp ứng sự phục hồi của thị trường đóng tàu và lượng đơn đặt hàng tăng đột biến.
Sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu đang gây lo ngại trên toàn thế giới. Gần đây, Canada đã gia nhập vào nhóm các quốc gia đóng tàu đang chỉ trích Trung Quốc.
Colin Cooke, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Hiệp hội Ngành công nghiệp Hàng hải và Đóng tàu Canada (CMISA), đã gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Ottawa yêu cầu chính quyền của Thủ tướng Justin Trudeau áp đặt thuế quan đối với tàu được đóng ở Trung Quốc, tiếp nối các lời kêu gọi tương tự tại Mỹ và Châu Âu.
Gần đây, Canada đã áp dụng thuế bổ sung 100% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc, một động thái mà CMISA muốn áp dụng tương tự đối với tàu do Trung Quốc đóng. Cooke đã tuyên bố trong một thông cáo báo chí rằng điều này cho thấy một "mối đe dọa về chiến lược và đạo đức" thậm chí còn lớn hơn.
Cooke khẳng định: "Ngành đóng tàu của Trung Quốc hoạt động theo học thuyết kết hợp dân sự-quân sự, theo đó việc xuất khẩu tàu thương mại được trợ cấp để củng cố khả năng quân sự của đất nước".
CMISA đang kêu gọi áp dụng thuế bổ sung 100% đối với tất cả các tàu đóng tại Trung Quốc nhập khẩu vào Canada và yêu cầu lệnh cấm rõ ràng đối với bất kỳ cơ quan chính phủ nào mua hoặc thuê tàu do Trung Quốc đóng.
Cooke viết thêm: “Việc chính phủ thực hiện những động thái này là rất quan trọng để bảo vệ các ngành công nghiệp của Canada, duy trì an ninh quốc gia, và đảm bảo rằng các chính sách kinh tế của chúng ta nhất quán với cam kết về quyền con người và các thực hành kinh doanh đạo đức.”
Ở phía Nam xứ sở lá phong, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã mở cuộc điều tra về hoạt động đóng tàu của Trung Quốc vào tháng 4 năm nay, trong khi đó, chính quyền Biden cũng có những phản ứng trước các lời kêu gọi từ các công đoàn và các chính trị gia lưỡng đảng nhằm kiểm soát các chính sách giá cả đối với các tàu mới được chế tạo tại Trung Quốc.
Phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc đã bác bỏ cuộc điều tra về ngành đóng tàu khi Mỹ công bố các cáo buộc, ông nói với các phóng viên ở Bắc Kinh rằng: "Việc đổ lỗi cho Trung Quốc về các vấn đề công nghiệp của chính nước Mỹ là thiếu cơ sở thực tế và đi ngược lại với tri thức cơ bản về mặt kinh tế".
Các công ty đóng tàu châu Âu cũng đã đưa ra lời kêu gọi, quyết tâm lấy lại thị phần và kêu gọi sự tham gia của các chính trị gia.
SEA Europe, hiệp hội đại diện cho ngành công nghệ hàng hải châu Âu, bao gồm các nhà máy đóng tàu và các nhà sản xuất thiết bị hàng hải, đã gặp gỡ các nghị sĩ châu Âu vào đầu năm nay để kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Âu hành động nhằm xây dựng một chiến lược công nghiệp hàng hải toàn diện của châu Âu.
Một thông cáo từ SEA Europe nêu rõ: "Do chênh lệch giá đáng kể từ 30% đến 40%, kết hợp với các ưu đãi tài chính có lợi - đặc biệt là từ các ngân hàng Trung Quốc - các chủ tàu châu Âu ngày càng có xu hướng lựa chọn các công ty đóng tàu châu Á".
Theo ước tính của các đơn vị môi giới tàu, công suất đóng tàu tại 3 quốc gia lớn là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng hơn 20% trong năm qua, với phần lớn sự tăng trưởng này diễn ra ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy nhiên, số lượng nhà máy đóng tàu đang hoạt động trên toàn thế giới đã giảm 55% so với mức đỉnh điểm đạt được vào năm 2007.
Theo Splash 247
U&I Logistic