15/05/2022
U&I Logistics - Logistics đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay logistics tại TP.HCM còn rất nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, chi phí rất cao, gần gấp 2 lần so với các nước phát triển, làm hạn chế sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Ngày 14-4 vừa qua, tại tọa đàm "Logistics TPHCM cất cánh" trong khuôn khổ Hội nghị "Cục Hải quan TP.HCM và cộng đồng doanh nghiệp (DN) đồng hành, chung tay phục hồi kinh tế" do Cục Hải quan TP.HCM tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng ngành logistics rất quan trọng, là đầu mối để đưa TP.HCM phát triển nhưng còn nhiều vướng mắc cần sớm tháo gỡ.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết dù đóng vai trò quan trọng nhưng ngành logistics thành phố đang tồn tại 5 điểm nghẽn. Trong đó, hạ tầng chưa đồng bộ là vấn đề quan trọng; cả đường sắt, bộ, thủy, hàng không đều chưa hoàn chỉnh. Hiện nay, Chính phủ mới triển khai tuyến đường Vành đai 3, đây được xem là tín hiệu đáng mừng.
Cũng theo ông Hoàng Vũ, thành phố có đến 4.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics với 2.000 kho bãi. Tuy nhiên, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong ngành còn ở mức độ thấp. Các chỉ số ứng dụng rất thấp (kể cả cơ quan quản lý ngành) khiến cho chi phí logistics đội lên cao, gấp đôi so với các nước khác, khiến DN hoạt động trong ngành gặp khó khăn. Nếu Việt Nam không có biện pháp kéo giảm chi phí logistics thì rất khó cạnh tranh, khó tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại…
Bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP HCM (HLA), cho rằng ngành hải quan đóng vai trò quan trọng quyết định mọi dòng chảy hàng hóa có được ổn định hay không. Hoạt động của ngành hải quan đã có nhiều thay đổi tích cực, nhất là trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 vừa qua. Nhờ đơn giản hóa các thủ tục hải quan, hải quan điện tử đã giúp cho hoạt động logistics rất nhiều. Tuy nhiên vấn đề hạ tầng chưa đồng bộ, nhân lực thiếu trầm trọng đang rất bức bách, cần sự hỗ trợ đào tạo từ ngành hải quan.
Công ty TNHH GUNZE (Việt Nam) tại Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7 mỗi tháng xuất, nhập khẩu 60 container hàng hóa, nguyên liệu sản xuất qua Cảng Cát Lái, TP.Thủ Đức. Đoạn đường từ nhà máy xuống cảng chỉ khoảng 15 km nhưng chi phí logistics lên đến 5 triệu đồng/1 container hàng hóa. Chi phí này cao hơn một số nước khác trong khu vực như: Thái Lan, Singapore… từ 30-40%, làm tăng chi phí sản xuất và ảnh hưởng đến giá thành cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng cho logistics của TP.HCM như: hệ thống kho, bãi còn hạn chế, cầu đường kết nối vào các cảng nhiều lúc quá tải làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, nhất là tình trạng kẹt xe.
Bà Chiêm Phương Thảo, phụ trách quản lý xuất nhập khẩu Công ty TNHH GUNZE (Việt Nam) cho biết, lúc bình thường, thời gian xe container chở hàng đi hoặc về từ nhà máy xuống cảng mất từ 1-2h, nhưng những lúc kẹt xe có khi mất đến nửa ngày. Tình trạng này gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp vì không kịp thời gian giao hàng và không thể đưa nguyên liệu về ngay cho các dây chuyền đang sản xuất. “Chi phí logistics của Việt Nam cao hơn so với các nước khác trong khu vực. Chúng tôi cố gắng sản xuất cho kịp hợp đồng nhưng bị kẹt xe, bị rớt container, chúng tôi phải bồi thường hợp đồng. Ở chiều ngược lại, hàng từ cảng về kẹt xe nguyên liệu sản xuất về không kịp thì cả chuyền sản xuất, công nhân của chúng tôi phải ngồi chờ, ngồi chơi” - bà Chiêm Phương Thảo nói.
Trường hợp của Công ty TNHH GUNZE cũng là thực trạng mà nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa ở TP.HCM đang gặp phải. Những hạn chế và điểm nghẽn về logistics của TP.HCM đã được lãnh đạo thành phố nhìn nhận. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hạ tầng chưa đồng bộ, cả đường sắt, bộ, thủy và đường hàng không. Bên cạnh đó, trước nay, dịch vụ logistics ở TP.HCM phần lớn là do doanh nghiệp tư nhân làm, nên còn khá manh mún, chưa có trung tâm chuyên nghiệp. Doanh nghiệp tư nhân chỉ làm những khâu đơn giản như đóng gói, vận chuyển…. Chính vì vậy, chi phí logistics của Việt Nam rất cao, chiếm đến 19% chi phí sản xuất, trong khi các nước phát triển thì chỉ chiếm dưới 10%.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, trong kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển ngành logistics TP HCM giai đoạn 2025-2030 đã nêu rõ 6 giải pháp, trong đó phát triển hệ thống trung tâm logistics là cấp thiết. Hiện nay các trung tâm phát triển tự phát, chưa có sự phối hợp công - tư nên chưa có trung tâm logistics nào đủ tầm dù quy mô nhỏ hay lớn. "TP HCM cần đầu tư 7 trung tâm logistics theo hình thức kêu gọi đầu tư. Trong đó, TP Thủ Đức có 3 trung tâm logistics ở các khu gần cảng Long Bình, cảng Cát Lái, khu công nghệ cao... đến năm 2023 phải hoàn tất tất cả thủ tục tư vấn, kêu gọi đầu tư. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng, với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh... TP HCM cần nhiều đơn vị tư vấn để triển khai tốt nhất hoạt động của các trung tâm logistics" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ thông tin và nói thêm, trong định hướng phát triển ngành logistics thì chuyển đổi số là giải pháp ưu tiên.
Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM, cho biết thời gian qua ngành hải quan thành phố đã có nhiều kiến nghị nhằm cắt giảm chi phí logistics, cụ thể nhất là hoạt động quản lý chuyên ngành kết hợp kiểm tra hàng để hình thành vòng tròn khép kín; triển khai đề án chống ùn tắc tại cảng Cát Lái cũng như các khu vực khác. Đặc biệt, để những giao dịch có liên quan đến hải quan tốt hơn thì phải có hệ thống quản trị tập trung, giao dịch hải quan điện tử. Cục Hải quan TP HCM cũng đã mạnh dạn đề xuất thu phí hạ tầng cảng biển từ 1-4 cũng như tìm cách đề xuất biện pháp phát triển hệ sinh thái đồng bộ gồm du lịch, chuyển đổi số... Về nhân sự, Cục Hải quan TP HCM có thể kết hợp HLA, các trường để hỗ trợ trong công tác đào tạo nhân lực, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động đại lý hải quan để công tác làm thủ tục của các DN thuận lợi, nhanh chóng. Ông Thắng nhấn mạnh có nhiều cơ sở để ngành logistics thành phố cất cánh.
"TP HCM có vị trí thuận lợi, có cảng nước sâu và có thể kết nối tốt các khu vực, quan trọng là có nhiều khu công nghiệp, khu công nghệ cao cùng với nhiều hiệp định đã ký kết với khả năng thu hút 260 tỉ USD trong thời gian tới. Đặc biệt, các tổ chức quốc tế vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với việc kiểm soát dịch bệnh tốt. TP HCM thu hút khách du lịch chiếm đến 50% thị phần khách nước ngoài, với tốc độ xuất nhập khẩu hiện nay, tới 2030 Việt Nam sẽ thu hút lượng hàng hóa lớn".
U&I Logistics