04/09/2024
U&I Logistics - Ông Guy Platten, Tổng thư ký Phòng Thương mại Vận tải biển Quốc tế (International Chamber of Shipping) cho biết mối đe dọa lên thương mại quốc tế hiện đang ở mức cao nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai. Sự lo lắng này đến từ Chủ nghĩa dân tộc kinh tế (economic nationalism) đang gia tăng ở Mỹ, điều có thể làm suy yếu thương mại thế giới bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới, nhưng các chủ tàu đang đặc biệt quan ngại về chủ nghĩa bảo hộ của Donald Trump đang quay có xu hướng trở lại rất mạnh mẽ.
Theo đó, Platten chia sẻ với đại diện Financial Times: "Trật tự thế giới chưa bao giờ bị đe dọa như vậy kể từ sau Thế chiến thứ hai đến giờ. Lần gần nhất chúng ta đối diện với chiến tranh thương mại, kết quả đã không thực sự đi đến đâu. Những cuộc chiến thương mại trên quy mô lớn sẽ chỉ mang đến thêm nhiều bất ổn".
Platten lo ngại rằng các chính sách theo chủ nghĩa dân tộc của ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump có thể quay trở lại ở cường độ cao, đồng thời nói thêm rằng nhiệm kỳ đầu tiên "đáng sợ" ở Nhà Trắng của vị cựu tổng thống (2017-2021) đã khiến ông "bàng hoàng".
“Có một nguy cơ rõ ràng, rằng nếu triều đại Trump trở lại, chúng ta sẽ thấy [những chính sách như vậy] tiếp tục được xúc tiến”, ông nói thêm. “Và những chính sách đó khi được triển khai, rồi sẽ chỉ khuyến khích các bên khác theo đuổi sự cực đoan tương tự… Toàn bộ trật tự thông thường của luật pháp quốc tế và một bộ quy tắc đã được thống nhất lâu năm sẽ bắt đầu bị đe dọa”.
Không chỉ quan ngại về Trump, Platten, người đứng đầu một cơ quan đại diện cho hơn 80% đội tàu vận tải biển của thế giới, cũng chỉ trích các động thái của chính quyền đương nhiệm Biden-Harris khi nhằm vào ngành vận tải biển Trung Quốc. Bà Kamala Harris, phó tổng thống Hoa Kỳ hiện tại, cũng sẽ là ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới.
Ông cho biết các chủ tàu Trung Quốc “thực sự lo lắng về khả năng áp thuế đối với [hàng hóa chở trên] các con tàu do Trung Quốc đóng”. Ông nhận định thêm, “Cái gì cũng có cái giá của nó… mà các chính trị gia nhiều khi lại không suy nghĩ thấu đáo về chuyện này”.
Bình luận của Platten nhấn mạnh sự lo lắng ngày càng tăng của các chủ tàu về diễn biến chính trị ở Hoa Kỳ.
Hồi đầu tháng 8 vừa qua, ông Vincent Clerc, Tổng Giám đốc hãng tàu Đan Mạch AP Møller-Maersk, đã cảnh báo rằng khách hàng đã bắt đầu dịch chuyển đơn hàng trước những lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ leo thang dưới thời Trump.
Dữ liệu từ Xeneta, một cơ quan tư vấn hàng đầu về vận tải biển, cho thấy sự gia tăng trong hoạt động thương mại Trung Quốc-Châu Mỹ trong năm tháng đầu năm nay đã trở lại mức được ghi nhận ngay sau khi Covid-19 bùng phát (gần bằng mức 2021). Các nhà phân tích cho rằng tăng trưởng này một phần là do những lời đe dọa của Trump về việc tăng thuế đối với tất cả hàng nhập khẩu của Trung Quốc lên 60%.
Emily Stausbøll, chuyên gia cấp cao tại Xeneta cho biết: "Các doanh nghiệp Mỹ vẫn còn ám ảnh về sự hỗn loạn từ thời dịch Covid-19. Nếu có thể làm được gì để vừa giảm thiểu rủi ro chuỗi cung ứng khu vực, chẳng hạn như khả năng đình công tại các cảng ở Bờ Đông và khu vùng Vịnh Hoa Kỳ, vừa né được mức thuế mới đối với hàng hóa Trung Quốc, thì bạn có thể hiểu tại sao một số nhà nhập khẩu Hoa Kỳ lại áp dụng cách tiếp cận việc nhận hàng sớm từ trước".
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới và là nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất, trong nhiều thập kỷ qua đã ủng hộ các chính sách thương mại tự do hỗ trợ toàn cầu hóa và sự phát triển của ngành vận tải biển.
Nhưng giờ đây, lãnh đạo của cả hai đảng chính trị lại đang thúc đẩy chương trình nghị sự nặng tính bảo hộ hơn.
Ứng viên Tổng thống Trump đã đưa ra kế hoạch tăng cường các hạn chế thương mại bằng cách đánh thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, cũng như đánh thuế tới 60% với hàng hóa từ Trung Quốc.
Đương kim Tổng thống Joe Biden cũng đã tăng thuế đối với một loạt hàng hóa Trung Quốc, từ ô tô điện đến thép, trong một nỗ lực trước bầu cử nhằm bảo vệ việc làm tại Mỹ và củng cố sự ủng hộ cho Đảng Cộng hòa tại các trung tâm công nghiệp trước đây. Vào tháng 4, Nhà Trắng đã công bố một cuộc điều tra về các hành động "đặc biệt hung hăng" của Trung Quốc mà họ cho là đã dẫn đến "sự méo mó" trên thị trường vận tải biển.
Động thái này diễn ra sau một bản kiến nghị của công đoàn United Steelworkers (công đoàn đại diện cho công nhân trong ngành luyện kim Bắc Mỹ) cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các chính sách can thiệp để thống trị ngành đóng tàu và thương mại hàng hải trên toàn cầu.
Chính quyền Biden-Harris đã mở rộng quyền hạn của cơ quan quản lý vận tải biển Hoa Kỳ vào năm 2022, khi Tổng thống đứng ra chỉ trích "các hãng vận tải do nước ngoài sở hữu" đã xung đột với các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra.
Nhưng Platten tuyên bố rằng việc giám sát chặt hơn nữa đối với ngành đóng tàu, có thể bao gồm cả thuế đối với tàu do Trung Quốc cập và làm hàng tại các cảng của Mỹ, sẽ là thiếu thực tế.
Nhấn mạnh dự đoán rằng biện pháp như vậy cũng sẽ thúc đẩy nhu cầu và giá cả đối với tàu đóng tại Nhật Bản và Hàn Quốc, ông lập luận rằng "Mỹ sẽ phải chi trả nhiều hơn cho chính sách này [so với lợi nhuận thu được] từ bất kỳ loại thuế nào. Điều đó đã được chứng minh trong suốt lịch sử: các biện pháp bảo hộ cuối cùng sẽ khiến đất nước phải trả giá".
Theo Financial Times
U&I Logistics