21/03/2022
U&I Logistics – Ngày 01/03/2022 vừa qua, 07 Hiệp hội Doanh nghiệp gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) và Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã gửi thư kiến nghị tới Văn phòng Chính phủ, Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính và Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND.
7 Hiệp hội Doanh nghiệp Xuất nhập khẩu về kiến nghị việc chưa triển khai thực hiện thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, các đơn vị cho rằng, từ 11/6/2021 đến cuối tháng 9/2021, đa số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động vì dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải chi trả nhiều khoản chi như lương cho công nhận, lãi vay ngân hàng, chi phí tồn kho, lưu kho... do không xuất khẩu, bán được hàng. Từ tháng 10-12/2021, đa số doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng từ 30-70% công suất do thiếu công nhân, thiếu nguyên liệu, chuỗi cung ứng đứt gãy. Đến đầu năm 2022, các doanh nghiệp bắt đầu phục hồi sản xuất thì cước vận tải biển tăng cao, chi phí xăng dầu tăng, giá nguyên liệu tăng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chỉ ra rằng quý 3/2021, các doanh nghiệp phải ngừng hoạt động do dịch bệnh, quý 4/2021, các doanh nghiệp chỉ hoạt động được 30%-70% công suất. Năm 2022, khi mà nền kinh tế phục hồi, các doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều chi phí leo thang như cước vận tải biển tăng phi mã, giá xăng dầu tăng do hạn chế nguồn cung và ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine…
Với các lý do trên, việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM vào thời điểm này là chưa phù hợp do làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, giảm năng lực cạnh tranh của và cản trở việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp làm các doanh nghiệp phải chịu thêm nhiều chi phí, khiến cho việc hồi phục kinh tế càng trở nên khó khăn. Do đó, Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ, Hội đồng Tư vấn CCTTHC có ý kiến với Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh xem xét chưa thực hiện thu các loại phí nói trên cho đến ngày 31/12/2022 tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, khắc phục hậu quả kinh tế do dịch bệnh trong năm 2021.
Mức phí áp dụng chưa công bằng và tạo thêm nhiều gánh nặng về thủ tục hành chính
Đối với hàng xuất nhập khẩu, hàng hoá mở tờ khai tại các tỉnh ngoài thành phố Hồ Chí Minh cao gấp đôi hàng hoá mở tờ khai tại thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, các DN sẽ tập trung mở tờ khai tại TP. Hồ Chí Minh gây nên tình trạng ách tắc. Hàng gửi ở kho ngoại quan, tạm nhập tái xuất, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng có mức phí cao hơn nhiều lần với hàng xuất nhập khẩu. Mức phí áp dụng với container cao gấp 8,8 lần, phí với hàng lỏng và hàng rời cao gấp 3,3 lần so với mức phí của lô hàng xuất nhập khẩu tương ứng mở tờ khai tại TP. Hồ Chí Minh.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp đề xuất điều chỉnh các mức phí theo hướng công bằng, đồng bộ một mức thu cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng. Ngoài ra, cần điều chỉnh mức thu giảm xuống theo hướng công bằng, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, không tạo thêm gánh nặng về thủ tục hành chính và gây ách tắc cho việc thực hiện thủ tục hành chính. Nghĩa là áp dụng chung một mức thu là 250.000 đồng/container đối với container 20ft; 500.000 đồng/container với container 40ft và 15.000 đồng/tấn đối với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container cho tất cả các lô hàng xuất nhập khẩu, lô hàng tạm nhập tái xuất, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu cũng như địa điểm đăng ký mở tờ khai cho lô hàng.
Theo Mục a Điểm 4 Điều 1 của Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của Hội đồng Nhân dân Tp. Hồ Chí Minh "Toàn bộ số thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố Hồ Chí Minh sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí được nộp vào ngân sách Thành phố để quản lý và bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn Thành phố".
Thế nhưng đến hiện tại, TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa công khai về việc sử dụng nguồn thu nói trên, trong khi thực tế các doanh nghiệp đã phải chịu nhiều loại phí phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng như phí cầu đường, phí sử dụng đường bộ, phí BOT… Các cảng biển cũng thu nhiều loại phí liên quan hạ tầng cầu cảng như phí cầu tàu, phí lưu cont, lưu bãi, phí nâng hạ cont. Cuối cùng, các doanh nghiệp đề nghị TP. Hồ Chí Minh công khai, minh bạch các khoản thu, chi, công bố thời gian và kế hoạch sử dụng nguồn thu từ các khoản phí nói trên nhằm tránh tình trạng các doanh nghiệp phải chịu "phí chồng phí".
“Trước đó, theo Nghị quyết của HĐND TP.HCM, thời gian thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu, cảng biển trên địa bàn TP sẽ bắt đầu áp dụng từ 1/4 tới đây.”
U&I Logistics