13/08/2024
PYMNTS - Trái ngược với những lo ngại về nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, gã khổng lồ ngành vận tải - Maersk lại cho rằng không có dấu hiệu nào cho thấy Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái.
Phát biểu tại chương trình "Squawk Box Europe" của đài CNBC được phát sóng vào ngày 7/8 vừa qua, ông Vincent Clerc, CEO của hãng tàu Maersk, cho biết hãng không ghi nhận tín hiệu xấu nào đối với nền kinh tế. Đánh giá của Maersk được đưa ra dựa trên: Nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, lượng hàng hóa lưu kho trước khi được giao hàng/xử lý và số lượng đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu - đây là 3 chỉ số phù hợp để đánh giá sức mạnh của nền kinh tế.
Ông Clerc cho biết, Maersk đã rất ngạc nhiên trước khả năng phục hồi của hoạt động vận chuyển bằng container trong những năm gần đây và cũng cho biết hãng tàu hy vọng sự phục hồi này sẽ tiếp tục được duy trì trong các quý sắp tới.
Sự phục hồi này một phần là nhờ vào hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc, quốc gia đang tăng trưởng thị phần trong nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container.
Luồng tin này được đưa ra sau khoảng 9 tháng tính từ thời điểm Maersk tuyên bố cắt giảm khoảng 10.000 nhân viên trong năm 2023 do doanh thu giảm vì ảnh hưởng của giá cước và nhu cầu vận tải đường biển sụt giảm.
Trong thời điểm cắt giảm nhân sự, ông Clerc đã phát biểu rằng: “Ngành vận tải biển đang phải đối mặt với trạng thái bình thường mới với nhu cầu giảm, giá cả quay trở lại mức lịch sử và áp lực lạm phát ảnh hưởng đến tính toán chi phí”.
Vào mùa thu năm 2023, giá cước vận chuyển container của tất cả các hãng tàu đều ghi nhận mức giảm lên đến 90% so với thời điểm đầu năm 2022. Trước đó, trong thời gian xảy ra đại dịch, các chủ hàng đã phải đối mặt với tình trạng giá cước vận chuyển hàng hóa đường biển tăng mạnh còn công suất chở hàng thì lại hạn chế.
Ông Clerc cũng chia sẻ thêm với CNBC rằng, việc chuyển hướng các tuyến vận chuyển tránh đi qua khu vực Biển Đỏ (do căng thẳng chính trị) và chuyển các tàu chạy theo bờ biển phía nam Châu Phi có thể vẫn phải tiếp tục cho đến cuối năm nay, hay thậm chí có thể kéo dài hơn.
Việc tàu mất nhiều thời gian di chuyển hơn khiến các hãng tàu phải triển khai thêm nhiều chuyến tàu hơn, do đó đã gây nên tình trạng thiếu hụt các tuyến vận chuyển trong quý 2 và quý 3 năm nay, ông Clerc nhận xét.
Cuối buổi chia sẻ, ông Clerc kết luận rằng, nếu các tình hình này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới, chi phí vận chuyển từ châu Á sang châu Âu hoặc châu Á đến bờ đông Hoa Kỳ có thể tăng 20% hoặc 30%.
U&I Logistics