17/12/2024
The Loadstar - Không tỏ ra chút lăn tăn nào trước nguy cơ dư thừa nguồn lực vận chuyển, hãng tàu số một thế giới MSC vừa đặt hàng thêm 10 tàu LNG nhiên liệu kép có sức chở 24.000 TEU từ xưởng đóng tàu Hengli Heavy Industry của Trung Quốc.
Trong những tháng cuối năm 2024, MSC đã đẩy mạnh việc mở rộng đội tàu, và hiện đội tàu của MSC có tổng sức chở là 6,27 triệu TEU, trong đó đội tàu hiện hữu chiếm 3,07 triệu TEU, và tổng sức chở của các tàu đang đặt hàng là khoảng 2,13 triệu TEU, bao gồm đơn hàng 10 tàu LNG nhiên liệu kép chốt hôm 12/12/2024.
Không chỉ có nguồn lực vận chuyển vượt trội hơn Liên minh Gemini và Liên minh Ocean, chỉ tính riêng đội tàu đóng mới của MSC cũng đã là một thế lực đáng gờm.
Ông Lars Jensen, Giám đốc điều hành của Vespucci Maritime, bình luận về động thái này như sau: Nếu lượng tàu đặt đóng mới của MSC hoạt động như một hãng tàu riêng biệt, thì đây sẽ là hãng tàu lớn thứ sáu thế giới, chỉ sau Hapag-Lloyd.
Dự kiến được bàn giao vào năm 2028, 10 tàu mới này sẽ bổ sung vào 10 tàu có sức chở 21.000 TEU chạy bằng LNG đã được đặt hàng từ xưởng Hengli vào tháng 9, và 12 tàu khác có sức chở 19.000 TEU đã được đặt hàng vào tháng 8 từ xưởng đóng tàu Zhoushan Changhong.
Các đơn đặt đóng tàu mới này tuân thủ chiến lược ưu tiên LNG của MSC, chiến lược mà Alphaliner gọi là “đặt cược vào LNG”, nhằm đạt được các mục tiêu giảm phát thải cacbon.
"MSC… đã khá chậm chân trong việc chuyển sang sử dụng nhiên liệu mới, nhưng sau đó đã áp dụng LNG với quy mô mà không đối thủ nào trong ngành có thể theo kịp. Ngoại trừ một vài tàu nhỏ, hiện tại những con tàu đặt đóng mới của hãng vận tải này giờ đây hoàn toàn là tàu chạy LNG," Alphaliner cho biết.
Theo các tính toán của công ty môi giới tàu biển Braemar, được công bố trong tuần thứ 2 của tháng 12/2024, lượng tàu mới được giao ồ ạt sẽ khiến tình trạng thừa cung vận chuyển đạt 7%-8% vào năm tới 2025 – sau khi trừ đi các tuyến chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng.
Braemar đã dự đoán tình trạng thừa nguồn cung vận chuyển sẽ đạt 12%-13% trong năm 2024, nhưng điều này xảy ra trước khi các có các tuyến vận chuyển chuyển hướng qua Mũi Hảo Vọng đưa con số này xuống còn 3%-4%. Tuy nhiên, nếu tình hình ở Biển Đỏ được giải quyết vào năm tới [2025], lượng tàu dư thừa sẽ là một thảm họa đối với các chủ tàu.
Thử so sánh, thì lượng tàu container nằm không (idle) đã đạt mức đỉnh 11% vào năm 2009, một năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – một dấu hiệu của tình trạng cung vượt cầu lâu dài, khiến giá cước vận tải giảm và ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng tàu container cho đến năm 2019.
MSC đang công khai tăng trưởng quy mô bằng mọi giá, có khi nào mục tiêu của MSC là trở thành hãng tàu duy nhất còn lại(?).
Theo The Loadstar
U&I Logistics