Tin tức

Dự báo đà tăng trưởng ngành Logistics tại Việt Nam năm 2022

 18/02/2022

U&I Logistics - Vietcombank Securities (VCBS) vừa qua đã phát hành báo cáo về triển vọng ngành Cảng biển - Logistics tại Việt Nam năm 2022. Theo đó, tốc độ tăng trưởng ngành Logistics trong 2022 được dự đoán sẽ tăng cao nhằm khôi phục sau đại dịch Covid. Sau đây là những thông tin chi tiết về triển vọng ngành Cảng biển - Logistics tại Việt Nam năm 2022 được U&I Logistics tổng hợp từ báo cáo của VCBS.

 

Triển vọng ngành Cảng biển - Logistics tại Việt Nam năm 2022
Triển vọng ngành Cảng biển - Logistics tại Việt Nam năm 2022

 

SẢN LƯỢNG HÀNG HÓA KHÔI PHỤC ĐÀ TĂNG TRƯỞNG

Trong năm 2022, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực và đạt 840 triệu tấn (+19% yoy) nhờ các yếu tố:

Một là, đã đạt được độ phủ vaccine tương đối tốt trong dân cư, đặc biệt tại các thành phố lớn trên cả nước.

Hai là, hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục và nhiều khả năng sẽ không có thêm một đợt phong tỏa quy mô lớn trong năm 2022 dù sự lây nhiễm của dịch bệnh có thể chưa hoàn toàn chấm dứt do: 

  • Thay đổi trong chiến lược chống dịch của chính phủ, hướng tới sống chung với dịch bệnh; 
  • Bài học từ đợt bùng phát thứ 4 cho thấy các biện pháp phong tỏa nhằm cắt đứt hoàn toàn nguồn bệnh là không hiệu quả đối với các biến thể lây lan nhanh, trong khi thiệt hại kinh tế là quá lớn.

Ba là, giá cước vận tải hàng hải giảm mang đến động lực lớn cho hoạt động xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt các nhóm hàng thủy sản, nông sản, sản phẩm gỗ.

Động lực tăng trưởng trong sản lượng hàng hóa sẽ được thể hiện nhiều nhất trong nửa cuối năm 2022 bởi đây là cao điểm vận tải biển trong năm. Đồng thời, do động lực từ các dự án đầu tư mới và mở rộng sản xuất đi vào hoạt động của nhiều doanh nghiệp FDI sau giai đoạn đình trệ trong năm 2021 do tình hình dịch bệnh.

Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022
Sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022

 

GIÁ CƯỚC VẬN TẢI HẠ NHIỆT NHƯNG VẪN Ở MỨC CAO

Giá cước vận tải container dự báo sẽ hạ nhiệt trong năm 2022 cùng với hiện tượng tắc nghẽn tại cảng biển và hoạt động lưu chuyển hàng hóa được cải thiện khi nhiều quốc gia dần đạt miễn dịch cộng đồng và độ phủ vaccine cao và cách tiếp cận sống chung với dịch bệnh ngày càng phổ biến và được đón nhận ở nhiều nơi trên toàn cầu.

Giá cước vận tải cao và vị thế độc quyền nhóm của các hãng vận tải container lớn trên thế giới đã ảnh hưởng lớn tới lợi ích của khách hàng và hoạt động giao thương. Một số hãng tàu lớn như CMA CGM và Hapag-Lloyd đã cắt giảm giá cước trước sức ép từ các chính phủ và khách hàng quan trọng cũng như một số hãng bán lẻ lớn (như Walmart, Costco, Home Depot,…) đã bắt đầu tự mua container và xây dựng đội tàu riêng để phục vụ vận tải hàng hóa.

Tổng trọng lượng tàu container tăng ngoạn mục khiến giá cước vận tải ở mức cao
Tổng trọng lượng tàu container tăng ngoạn mục khiến giá cước vận tải biển ở mức cao

 

Tuy vậy giá cước vận tải container sẽ khó có thể về lại mức thấp ngay trong năm 2022 khi một số trung tâm sản xuất và tiêu thụ lớn, đặc biệt nằm tại châu Á với quy mô dân số lớn (như Trung Quốc, Ấn Độ) sẽ cần thêm thời gian để đạt miễn dịch cộng đồng. Chưa kể, Trung Quốc vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero Covid (loại bỏ hoàn toàn nguồn lây nhiễm trong cộng đồng) thông qua các biện pháp phong tỏa và nguồn cung tàu container đóng mới sẽ chỉ bắt đầu vào giai đoạn bàn giao mạnh từ 2023.

So với hàng container, giá cước vận tải hàng rời nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự sụt giảm nhanh hơn do hiện tượng thiếu hụt nguyên vật liệu cơ bản không còn quá gay gắt nhờ chuỗi cung ứng hàng hóa cơ bản dần được nối lại. Các chính phủ áp dụng các biện pháp ngăn chặn đầu cơ, thao túng giá và tiến hành xả kho dự trữ để bình ổn mặt bằng giá hàng hóa. Khác với thị trường vận tải container, thị trường vận tải hàng rời khá phân mảnh và các doanh nghiệp vận tải không có nhiều quyền lực trong việc điều tiết, kiểm soát thị trường.

 

CƠ HỘI CHO CÁC DOANH NGHIỆP PHỤ TRỢ LOGISTICS

Nhu cầu phục vụ hàng hóa tăng mạnh tại khu vực Cái Mép trong khi phần lớn cảng biển trong Hệ thống cảng nước sâu tại hạ nguồn Cái Mép khu vực về cơ bản đã đạt mức công suất thiết kế. Đặc điểm hệ thống cảng hạ nguồn Cái Mép tạo thế độc quyền nhóm với chỉ 3 đơn vị phát triển chính (Tân Cảng, Vinalines và Gemadept) và thường có sở hữu liên doanh của các hãng tàu lớn. Do vậy áp lực hoạt động vượt công suất thiết kế tại các cảng vẫn hiện hữu khi các hãng tàu ưu tiên sử dụng dịch vụ của các cảng có quan hệ lợi ích.

Đặt ra nhu cầu lớn cho hệ thống ICD/ điểm tập kết hàng hóa như hạ tầng nối dài của hệ thống cảng nước sâu Cái Mép, giúp tiết kiệm thời gian xử lý, thông quan hàng hóa và giải tỏa một phần công suất tại cảng biển. Lợi thế vượt trội trong việc trở thành hạ tầng nối dài của cảng nước sâu thuộc về các ICD vì các đơn vị này đã nằm trong danh mục cảng cạn/ nhiều tiềm năng được công nhận cảng cạn trong thời gian gần. Các ICD có lợi ích sở hữu với đơn vị vận hành cảng nước sâu tại Cái Mép.

Nhóm doanh nghiệp kho vận/ trung tâm logistic dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ vào sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử khi đại dịch thay đổi mạnh mẽ thói quen mua sắm của người dân, qua đó đặt ra nhu cầu lớn về hạ tầng kho vận, trung tâm xử lý hàng hóa do đặc điểm sử dụng không gian kho và hậu cần logistics lớn hơn nhiều so với kênh thương mại truyền thống. Chưa kể, sự gia tăng thị phần của các doanh nghiệp chuỗi bán lẻ (Bách Hóa Xanh, Co.op Mart, Vinmart,…) giúp thúc đẩy nhu cầu hạ tầng kho và dịch vụ logistics.

Sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phụ trợ logistics
Sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử tạo cơ hội cho các doanh nghiệp phụ trợ logistics

 

Sự phát triển của ngành cảng biển nói riêng đã mở ra rất nhiều cơ hội tăng trưởng cho thị trường Logistics Việt Nam trong năm nay. Ngoài những dự báo trên, doanh nghiệp vận tải biển dần thiết lập nền lợi nhuận mới trong giai đoạn tới. Hơn nữa, với sản lượng hàng hóa tăng cao sẽ khiến các cảng hạ nguồn tăng trưởng mạnh mẽ trở lại.

U&I Logistics