Tin tức

Doanh nghiệp xứ mỳ ống quan ngại cà chua nhập khẩu từ Trung Quốc đe dọa ‘phẩm chất’ hàng nội

 04/11/2024

The Financial Times - Lãnh đạo một tập đoàn chuyên về các sản phẩm từ cà chua kêu gọi Liên minh châu Âu bảo vệ nông dân khỏi sự cạnh tranh “không lành mạnh” đến từ các sản phẩm có nguồn gốc ở vùng Tân Cương, Trung Quốc.

doanh-nghiep-xu-my-ong-quan-ngai-ca-chua-nhap-khau-tu-trung-quoc-de-doa-‘pham-chat’-hang-noi
Cà chua được thu hoạch cho công ty Mutti tại một trang trại gần Parma, miền Bắc nước Ý
Nguồn: Miguel Medina/AFP/Getty Images
​​

Một doanh nhân hàng đầu trong ngành sốt cà chua của Ý đã lên tiếng kêu gọi Brussels bảo vệ nông dân khỏi sự cạnh tranh “không lành mạnh” bởi cà chua giá rẻ nhập khẩu từ Tân Cương, Trung Quốc và khôi phục lại “phẩm chất” cho mặt hàng cà chua đỏ đặc trưng của Ý.

Ông Francesco Mutti, Giám đốc điều hành công ty chuyên sản xuất các nguyên liệu chế biến từ cà chua như passata (cà chua nghiền), bột cà chua và cà chua đóng hộp, cho rằng EU cần cấm hoặc áp thuế nhập khẩu cao đối với các sản phẩm từ Trung Quốc nhằm bảo vệ nông dân Ý. Năm 2021, Hoa Kỳ đã cấm nhập khẩu bột cà chua từ Tân Cương bởi những quan ngại về lao động cưỡng bức, nhưng phía Brussels vẫn chưa đưa ra động thái tương tự.

“Chúng ta nên ngừng nhập khẩu bột cà chua từ Trung Quốc hoặc áp thuế 60% để giá thành của chúng không chênh lệch quá nhiều với các sản phẩm của Ý” ông Mutti nói với tờ Financial Times tại trụ sở chính của doanh nghiệp tư nhân đã 125 năm tuổi, với doanh thu năm 2023 là 665 triệu euro.

Ông cảnh báo rằng ngành cà chua tại Ý đang đối mặt với rủi ro bị các sản phẩm bột cà chua từ doanh nghiệp nhà nước ở Tân Cương cạnh tranh không lành mạnh, nơi Liên Hợp Quốc đã có những cảnh báo về lao động.

doanh-nghiep-xu-my-ong-quan-ngai-ca-chua-nhap-khau-tu-trung-quoc-de-doa-‘pham-chat’-hang-noi
Francesco Mutti: “Chúng ta phải bảo vệ [nông dân châu Âu] khỏi cạnh tranh không lành mạnh”
Nguồn: Miguel Medina/AFP/Getty Images

Ông Mutti, thế hệ thứ tư điều hành doanh nghiệp có trụ sở ở ngoại ô Parma, phàn nàn chính quyền Liên minh châu Âu vì yêu cầu nông dân tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phát triển bền vững nhưng lại không bảo vệ họ khỏi việc “tàn phá môi trường” từ Trung Quốc.

“Chúng ta cần dạy cho nông dân cách canh tác tốt hơn nhưng cũng phải bảo vệ họ khỏi những cạnh tranh không lành mạnh” ông Mutti, sở hữu công ty chỉ sử dụng cà chua Ý, nhấn mạnh. “Nếu không, kết quả cuối cùng sẽ không phải là cải thiện môi trường, mà là phải chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, nơi không có các quy định bảo vệ thương nhân.”

Theo Hội đồng chế biến cà chua Thế giới (World Processing Tomato Council, WPTC), Trung Quốc ước tính chiếm gần 23% sản lượng cà chua toàn cầu trong năm nay, tăng so với khoảng 18% vào năm 2023.

Hàng nhập khẩu giá rẻ là một vấn đề nhạy cảm ở Ý, nguồn sản xuất cà chua lớn thứ ba trên thế giới sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Bột cà chua từ Trung Quốc có giá chỉ bằng một nửa so với các sản phẩm của Ý.

doanh-nghiep-xu-my-ong-quan-ngai-ca-chua-nhap-khau-tu-trung-quoc-de-doa-‘pham-chat’-hang-noi
Cà chua tươi được sản xuất dây chuyền lắp ráp tại nhà máy Mutti gần Parma, Bắc Ý
Nguồn: Miguel Medina/AFP/Getty Images 

Trong một động thái thể hiện sự tức giận vào mùa xuân năm ngoái, Coldiretti, hiệp hội nông dân có tầm ảnh hưởng tại Ý, đã cử một đội thuyền nhỏ đến để phản đối việc dỡ hàng tấn cà chua cô đặc của Trung Quốc tại cảng Salerno.

“Cạnh tranh trên thị trường cà chua hiện nay là không công bằng vì hơn 90% hàng Trung Quốc được sản xuất ở Tân Cương và chi phí lao động ở đó rất, rất thấp” ông Luigi Pio Scordamaglio, giám đốc quan hệ quốc tế của Coldiretti, nhận định. “Điều này không thể chấp nhận được từ góc độ đạo đức, mà cả trên thương trường.”

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tái khẳng định rằng các cáo buộc về lao động ở Tân Cương là “lời bịa đặt” nhằm phá hoại và ngăn chặn sự phát triển của các ngành công nghiệp Trung Quốc.

“Chúng tôi hy vọng rằng các cá nhân và tổ chức châu Âu có liên quan sẽ nhận ra các mưu đồ ác ý đằng sau những bịa đặt, không bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc và không lấy điều này làm cái cớ để thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại” bộ này cho biết.

doanh-nghiep-xu-my-ong-quan-ngai-ca-chua-nhap-khau-tu-trung-quoc-de-doa-‘pham-chat’-hang-noi
Cà chua tươi được làm sạch trên dây chuyền lắp ráp Mutti
Nguồn: Miguel Medina/AFP/Getty Images

Ngành công nghiệp cà chua xuất khẩu quy mô lớn ở Tân Cương đã lớn mạnh như một phần trong chiến lược phát triển kinh tế của Bắc Kinh để bù cho khu vực phía tây luôn đầy bất ổn. Những doanh nghiệp lớn trong ngành có thể kế đến như ChalkIS, một công ty liên kết với Tập đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương, và COFCO Tomato, công ty con của một tập đoàn nông nghiệp khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước, theo Rights Lab của Đại học Nottingham và trang web của các công ty này.

COFCO cho biết 12 nhà máy chế biến của họ có khả năng sản xuất 300.000 tấn bột cà chua hàng năm. Khoảng 13% bột cà chua của Trung Quốc được xuất khẩu sang EU, đặc biệt là Ý, nơi sản phẩm này được xử lý thêm – pha loãng hoặc trộn với các sản phẩm cà chua địa phương – và đóng gói lại, chủ yếu để tái xuất khẩu, theo Nottingham Rights Lab.

Luật dán nhãn thực phẩm nghiêm ngặt của Ý cấm việc tiếp thị bột cà chua Trung Quốc pha loãng dưới dạng passata, nhưng việc sinh lời từ giá thành chênh lệch luôn vô cùng hấp dẫn.

doanh-nghiep-xu-my-ong-quan-ngai-ca-chua-nhap-khau-tu-trung-quoc-de-doa-‘pham-chat’-hang-noi
Cà chua nghiền đóng hộp Mutti
Nguồn: Miguel Medina/AFP/Getty Images 

Trong một vụ gian lận thực phẩm nổi bật năm 2021, cảnh sát Carabinieri đã thu giữ 4.477 tấn cà chua đóng hộp từ một công ty chế biến cà chua nổi tiếng của Ý do đã dán nhãn “100% cà chua Ý”, mặc dù đã bổ sung bột cà chua Trung Quốc.

Coldiretti đang thúc đẩy châu Âu áp dụng các quy định dán nhãn thực phẩm chặt chẽ hơn – yêu cầu xác định nguồn gốc của các thành phần chính trong thực phẩm chế biến – mà họ tin rằng sẽ giúp người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sáng suốt.

Ông Mutti cũng ủng hộ các quy định như vậy, ông nói: “Đặc biệt là đối với các sản phẩm mà cà chua là thành phần quan trọng nhất.”

Ông Mutti còn nhấn mạnh: “Mục tiêu là khôi phục giá trị của cà chua, để khẳng định ‘cà chua đáng giá!’ chứ không chỉ là một món hàng thông thường.”

The Financial Times

U&I Logistics