09/12/2024
Financial Times - Các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, Canada và Mexico đang gấp rút đưa hàng hóa vào Mỹ trước khi thuế tăng.
Các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc, Canada và Mexico đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu sang Mỹ sau khi tổng thống mới đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế mới đối với hàng hóa từ ba quốc gia này ngay ngày đầu nhậm chức.
Tại một triển lãm về chuỗi cung ứng diễn ra ở Bắc Kinh vào tuần cuối tháng 11, đại diện các công ty logistics cho biết số lượng khách hàng hỏi về việc đẩy nhanh thời gian vận chuyển đã tăng lên sau khi ông Trump đe dọa áp thuế bổ sung thêm 10% lên hàng hóa từ Trung Quốc.
Ông Mao Ping, Giám đốc điều hành của công ty logistics Haotong Group có trụ sở tại Hồ Nam, cho biết: "Chúng tôi đã nhận được rất nhiều yêu cầu", đặc biệt là vào hai ngày sau khi Trump đăng tuyên bố về thuế quan trên tài khoản Truth Social của ông vào ngày 25/11/2024.
Ông Zhang Junkai, đại diện của Nissin-Sinotrans International Logistics, cho biết đã có “sự gia tăng về quy mô [hàng hóa xuất khẩu]” trong các buổi tư vấn với khách hàng. Các chủ hàng hy vọng hàng hóa của họ sẽ được “vận chuyển trước khi kết thúc năm 2024 và trước khi ông Trump nhậm chức”.
Sri Laxmana, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Mỹ tại CH Robinson, cho biết, trong vòng 24 giờ sau khi ông Trump đăng tải tuyên bố sẽ áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa từ Mexico và Canada, bộ phận phụ trách hoạt động logistics của công ty này đã phải tham gia “vô số” cuộc họp với khách hàng.
“Một số chủ hàng trước đó đã đẩy nhanh quá trình giao hàng để tránh nguy cơ xảy ra đợt đình công thứ hai tại các cảng của Mỹ và khả năng tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ từ Trung Quốc”, ông Laxmana cho biết. “Giờ đây, chúng ta có thể thêm khả năng tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada vào danh sách các lý do khiến các chủ hàng xem xét việc đẩy nhanh thời gian chuyển hàng của họ”.
Dấu hiệu của việc đẩy nhanh vận chuyển đã bắt đầu xuất hiện chỉ vài ngày sau khi ông Trump thắng cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đe dọa áp thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc - điều mà ông cho là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại Mỹ - và lên tới 20% đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia khác.
Lời đe dọa áp thuế bổ sung của Trump đối với ba đối tác thương mại quan trọng nhất của Mỹ được đưa ra khi ông chỉ trích các quốc gia này vì không thể ngăn chặn ma túy và người di cư bất hợp pháp vào Mỹ.
“Thông báo này gợi nhớ nhiều đến nhiệm kỳ đầu tiên của chính quyền Trump, khi các mức thuế tương tự như vậy được đưa ra như một chiến thuật đàm phán”, Goldman Sachs cho biết trong một phân tích.
Tại Triển lãm Chuỗi Cung ứng Quốc tế Trung Quốc được tổ chức tại Bắc Kinh, đại diện của hai hãng tàu lớn cho biết các chủ hàng đã bắt đầu đẩy nhanh việc xuất khẩu ngay cả trước khi ông Trump đưa ra những lời đe dọa mới nhất.
Tuyên bố của Tổng thống mới đắc cử về mức thuế bổ sung 10% chỉ càng làm tăng thêm sự bất định cho thị trường, đại diện một hãng tàu Trung Quốc cho biết.
“Khách hàng đều nói rằng chúng tôi cần phải gấp rút vận chuyển càng nhiều hàng hóa sang Mỹ càng tốt, trước khi Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2025”, ông cho biết.
Đại diện một hãng tàu khác cho biết xu hướng đẩy nhanh tiến độ giao hàng hiện chưa khiến cho cước vận chuyển tăng cao hơn, điều này một phần là do nguồn cung vận chuyển đến từ số lượng tàu đóng mới trên toàn ngành cũng đã tăng lên.
Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng 12,7% so với cùng kỳ vào tháng 10/2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong hơn hai năm, nhưng một số nhà kinh tế đã đặt câu hỏi về việc có bao nhiêu trong đó là hàng hóa được vận chuyển trước (front-loading) sang Mỹ, tháng mà thâm hụt thương mại đã giảm do ghi nhận lượng hàng nhập khẩu thấp hơn.
Những nhà kinh tế khác cho biết tỷ lệ hàng tồn kho so với doanh thu của các nhà bán buôn và bán lẻ Mỹ đã giảm, khi họ trở lại xu hướng kinh doanh bình thường.
“Đã có một số đơn hàng được giao trước, nhưng tôi nghĩ đó không phải là điều mà chúng ta thực sự thấy qua mức hàng tồn kho cao hơn”, Giám đốc điều hành của một hãng vận chuyển toàn cầu cho biết.
Khi được hỏi về ý định của khách hàng ngay cả trước khi ông Trump cam kết hành động [áp dụng thuế quan] “vào ngày đầu tiên”, nhiều giám đốc điều hành trong ngành logistics cho biết họ đã lập kế hoạch để đối phó với bất kỳ mức thuế mới nào.
“Chúng ta sẽ chứng kiến nhu cầu đặt hàng trước cực kỳ mạnh mẽ. [Các thương nhân] sẽ nhập nhiều hàng hóa từ Trung Quốc nhất có thể... Điều này chắc chắn sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn”, một giám đốc logistics tại một công ty giao nhận toàn cầu cho biết.
Mark Young, quản lý hãng tàu Cetus Maritime, cho biết chiến thắng của ông Trump đang khiến mọi người phải suy nghĩ lại về các kế hoạch vận chuyển dài hạn.
“Chúng tôi đã có được [cam kết về] 12 lô hàng trong 12 tháng tới, mỗi tháng một lô hàng”, Young cho biết. Nhưng ông nói thêm rằng, một nhà môi giới đã chia sẻ với ông rằng doanh nghiệp giờ đây “do dự hơn rất nhiều khi đặt các đơn hàng như vậy”.
Một số nhà xuất khẩu đơn giản chỉ đang cố gắng xác định thời điểm nhận hàng, ông Mike Short, chủ tịch bộ phận giao nhận toàn cầu của CH Robinson cho biết. “Một khách hàng đã hỏi về ngày cuối cùng mà lô hàng của họ có thể rời khỏi châu Á và đến Mỹ trước khi các mức thuế mới có thể có hiệu lực”.
Dấu hiệu của việc đẩy nhanh vận chuyển đã trở nên rõ ràng tại các cảng của Mỹ. Cảng Los Angeles đã giao nhận 905.000 container trong tháng 10/2024, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, ông Gene Seroka, giám đốc điều hành cảng cho biết.
“Một số chủ hàng đang đẩy nhanh việc giao hàng như một biện pháp phòng ngừa trước nguy cơ đưa vào áp dụng thuế quan mới”, ông cho biết, nhưng cũng cho biết thêm rằng các yếu tố khác, bao gồm các vấn đề đình công tại các cảng ở Vịnh Mexico và bờ Đông Mỹ, cũng góp phần vào sự gia tăng này.
Ông Simon Heaney, quản lý cấp cao phụ trách về nghiên cứu thị trường container tại Hãng Tư vấn Drewry, dự đoán rằng giá cước giao ngay tuyến xuyên Thái Bình Dương sẽ “tăng mạnh do nhu cầu giao nhanh tăng đột biến” khi có thêm thông tin chi tiết về chính sách thuế của ông Trump được công bố.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đã bắt đầu tìm kiếm các thị trường và trung tâm sản xuất mới.
Một tập đoàn điện tử có trụ sở tại Quảng Đông, chuyên cung cấp linh kiện cho các nhà sản xuất thiết bị gia dụng tại Mỹ cho biết, họ đang cân nhắc chọn Morocco làm cơ sở sản xuất thay thế ở nước ngoài. Công ty đã tạm dừng kế hoạch mở rộng dây chuyền sản xuất tại Mexico, dự đoán rằng Trump sẽ “bịt lại kẽ hở trong chiến lược sản xuất gần biên giới mà các công ty Trung Quốc đang tận dụng”, một giám đốc điều hành cho biết.
Fred Neumann, chuyên gia kinh tế khu vực châu Á tại HSBC, cho biết các nhà xuất khẩu sẽ có thời gian để cân nhắc các lựa chọn của mình, vì hầu hết các mức tăng thuế của Trump có thể sẽ chỉ có hiệu lực vào nửa cuối năm sau do các thủ tục pháp lý.
"Cách tiếp cận khả thi nhất là áp dụng quy trình theo từng giai đoạn", Neumann cho biết.
Ông Laxmana, đại diện của CH Robinson cho biết thời điểm áp dụng các chính sách thuế sẽ là "câu hỏi quan trọng nhất".
“Thông thường phải mất vài tháng để hoàn tất việc thực thi thuế quan thông qua các thủ tục hành chính... vì vậy việc mức thuế được triển khai ngay vào tháng 1/2025 sẽ là điều hiếm thấy”, ông nói, nhưng cũng cảnh báo rằng các vấn đề như kiểm soát biên giới là ưu tiên hàng đầu của Trump nên chính quyền của ông có thể hành động nhanh chóng hơn.
Tại triển lãm chuỗi cung ứng ở Bắc Kinh, bầu không khí tại đây được ghi nhận là mọi người hoàn toàn chấp nhận bất kỳ cuộc chiến thuế quan nào sắp xảy ra.
Một nhân viên bán hàng tại công ty cung cấp linh kiện cho các công ty sản xuất iPhone của Apple phản ánh một quan điểm phổ biến ở Bắc Kinh rằng chính sách thuế của ông Trump sẽ gây tổn hại cho người tiêu dùng Mỹ gần như tương đương với Trung Quốc.
Người xưa thường nói: “Thương địch một vạn, hại mình 800” - nhân viên bán hàng này nói thêm.
Theo Financial Times
U&I Logistics