Tin tức

Cước vận hàng không ổn định, nhưng tiềm ẩn khả năng tăng giá trở lại

 04/12/2024

The Loadstar - Giá cước vận tải hàng không trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương đang được giữ ổn định do cung vận chuyển đang đáp ứng được cầu, nhưng dự báo về sự biến động trong chuỗi cung ứng có thể khiến giá cước tăng trở lại trong thời gian tới.

Theo dữ liệu tuần 47 của World ACD, mức tăng trưởng giá cước trung bình toàn cầu là 2% - lên 2,79 USD, mức tăng cao nhất được ghi nhận trong năm nay - được thúc đẩy bởi việc tăng giá giao ngay "chủ yếu từ các chuyến xuất phát Bắc Mỹ và châu Âu". 

cuoc-van-hang-khong-on-dinh-nhung-tiem-an-kha-nang-tang-gia-tro-lai
Mức tăng trưởng được thúc đẩy bởi giá cước giao ngay tăng "chủ yếu từ các chuyến xuất phát Bắc Mỹ và châu Âu"

Mặc dù việc tăng giá này có thể khiến nhiều người bất ngờ, World ACD giải thích rằng nguyên nhân là do các hãng hàng không tập trung nguồn lực vận chuyển từ các tuyến xuyên Đại Tây Dương sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khi các hãng hàng không "dự đoán về một làn sóng mới của hàng xuất chủ yếu từ Trung Quốc và Hồng Kông đến châu Âu và Bắc Mỹ”.

Nhưng thay vào đó, sản lượng toàn cầu trong tuần cuối tháng 11 vẫn giữ nguyên so với tuần trước đó. 

Tuy nhiên, trong khi các giá cước trung bình các tuyến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến Bắc Mỹ ổn định theo tuần, dữ liệu từ World ACD cho thấy mức cước từ châu Âu đến Bắc Mỹ của tuần 47 "tăng mạnh" 8% so với tuần 46. So với cùng kỳ năm ngoái, cước từ Châu Á - Thái Bình Dương đến Bắc Mỹ tăng 10%.

Theo Dữ liệu về nguồn lực hàng không của Rotate (Rotate's capacity database), sức chở từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đến châu Âu tăng 7% so với tháng trước, và tăng 4% từ Châu Á đến Bắc Mỹ. Sức chở từ châu Âu đến Bắc Mỹ giảm 4% trong cùng kỳ.

So với cùng kỳ năm ngoái World ACD ghi nhận sức chở trên tuyến xuyên Đại Tây Dương đã giảm 3% trong 3 tuần vừa qua, "điều này hoàn toàn do nguồn lực vận chuyển hàng hóa giảm 10%”.

So với cùng kỳ năm ngoái, sức chở từ Châu Á - Thái Bình Dương đến Bắc Mỹ đã tăng 7%. 

World ACD bổ sung: "Ngoài ra, so với năm trước, có nhiều hãng hàng không đã đảm bảo nguồn lực vận chuyển của họ trước mùa cao điểm, điều này có tác dụng làm giảm sự biến động của giá cước so với năm trước, và đặt biệt là với các tuyến thương mại xuất phát từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong mùa này”.

Xác nhận nội dung này, bà Kathy Liu, Phó chủ tịch phụ trách bán hàng và tiếp thị toàn cầu tại Dimerco Express Group, cho biết: "Các nền tảng thương mại điện tử đã đảm bảo nguồn lực vận chuyển từ đầu Quý 4 với sự hỗ trợ trực tiếp từ các hãng hàng không, dẫn đến khối lượng hàng hóa vận chuyển thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

Nhưng bà nói thêm rằng thị trường vận tải hàng không đã "bắt đầu tăng tốc trở lại từ ngày 18/11". 

cuoc-van-hang-khong-on-dinh-nhung-tiem-an-kha-nang-tang-gia-tro-lai
Thị trường vận tải hàng không đã "bắt đầu tăng tốc trở lại từ ngày 18/11"

Bà Liu cho biết: “Tháng 12 dự kiến ​​sẽ rất bận rộn trong 2 tuần đầu tiên, do đợt giảm giá Black Friday, nhưng bắt đầu từ tuần thứ 51, thị trường có thể sẽ chậm lại khi mùa lễ hội truyền thống bắt đầu”. 

Tuy nhiên, Dimerco cũng cảnh báo rằng việc tiềm ẩn khả năng tăng chi phí do đe dọa thuế quan tại Mỹ có thể khiến các công ty tăng cường tồn kho, điều này có thể "dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong hoạt động vận chuyển hàng không… và có thể khiến không gian vận chuyển trở nên chật hẹp và mức cước vận chuyển tăng cao”.

Thật vậy, ông Stefan Krikken, trưởng bộ phận hàng không của DSV đã phát biểu tại Diễn đàn Vận tải Hàng không TIACA ở Miami tháng 11 rằng: “ Những mức thuế này sẽ được áp dụng… Bạn sẽ thấy chuỗi cung ứng thay đổi. Điều này có nghĩa là sự gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến việc các chủ hàng chuyển từ vận chuyển đường biển sang vận chuyển hàng không nhiều hơn”.

Ông nói: "Chúng tôi thấy nhu cầu ngày càng tăng đổ vào Đông Nam Á và với mức thuế quan này, nhu cầu sẽ ngày càng tăng... Tôi nghĩ rằng người tiêu dùng sẽ tiếp tục mua sắm, và bất kỳ sự gián đoạn nào trong chuỗi cung ứng sẽ có lợi cho hoạt động kinh doanh của chúng tôi”.

Tuy nhiên, Dimerco lưu ý rằng, mặc dù việc chuyển dịch sản xuất sang Đông Nam Á có khả năng làm tăng nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa hoàn thiện sang Mỹ, "các quốc gia Đông Nam Á vẫn sẽ phụ thuộc vào các trung tâm trung chuyển lớn như Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là đối với vận chuyển hàng không sang Mỹ”.

Cuối cùng, Dimerco kết luận: "Để thích ứng với những thay đổi này, các hãng vận chuyển có thể điều chỉnh chiến lược giá của họ trong năm tới”.

Theo The Loadstar

U&I Logistics