Tin tức

Chuỗi cung ứng toàn cầu đối mặt với nhiều nguy cơ khủng hoảng trở lại

 15/04/2022

U&I Logistics - Phương án chống dịch gắt gao của Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng trên toàn thế giới rơi vào tình trạng khủng hoảng một cách trầm trọng. Cùng với đó, cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine càng làm xáo trộn thêm nền kinh tế toàn cầu vốn dĩ đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc lạm phát.

 

chuỗi cung ứng toàn cầu rơi vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng
Trung Quốc khiến chuỗi cung ứng toàn cầu khủng hoảng 

 

Thực trạng của chuỗi cung ứng toàn cầu

Tại Châu Á

Theo ước tính của Công ty giao nhận hàng hóa Flexport (San Francisco), từ thời điểm hàng hoá bắt đầu rời khỏi nhà máy ở châu Á để vận chuyển đến nhà kho ở Mỹ, mất trung bình khoảng 111 ngày. Con số này cao gấp đôi so với năm 2019 và gần bằng kỷ lục 113 ngày vào tháng 1. Trong khi đó, hành trình đi về bờ Tây đến châu Âu thậm chí còn mất nhiều thời gian hơn, với mức kỷ lục gần 118 ngày.

Tại Thượng Hải - nơi có cảng container lớn nhất thế giới, hiện đang ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID 19 tồi tệ nhất bằng biện pháp ban lệnh phong tỏa toàn thành phố. Điều này làm cho hàng loạt các tàu thuyền buộc phải xếp hàng dài ngoài khơi. Dựa trên cơ sở dữ liệu của Bloomberg, tổng số tàu container đang cập cảng và ra khỏi khu neo đậu của cảng Ninh Ba vào giữa tuần trước là 230, tăng 35% so với thời điểm này năm ngoái.

Các container nhập khẩu phải đợi trung bình 12,1 ngày trước khi hàng hóa được đưa lên xe tải và chuyển tới kho trên đất liền. Tình trạng tắc nghẽn đã làm cho việc cung cấp đầu vào cho các nhà máy và việc vận chuyển hàng hoá xuất khẩu bị trì trệ, chẳng hạn như ôtô và đồ điện tử. Giá cước hiện tại cũng đã cao hơn gấp 3 lần so với ngày 28/3.

Tắc nghẽn container là điểm nóng của chuỗi cung ứng toàn cầu
Các tàu container neo đậu ngoài khơi bờ biển Trung Quốc (chấm vàng) đang chờ cập cảng ngày 20/4 (Nguồn: Bloomberg)

 

Vận tải hàng không cũng bị ảnh hưởng, hàng hóa đang phải xếp hàng dài để được giao tới sân bay quốc tế Phố Đông (Thượng Hải). Hiện trạng tắc nghẽn còn lan sang Thâm Quyến bởi các chuyến hàng được chuyển hướng khỏi Thượng Hải. Theo ông Donny Yang - Giám đốc vận tải đường biển của Dimerco, để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn quanh Thượng Hải, các chuyến hàng đang được chuyển hướng đến Ninh Ba và Thái Thương.

Tại Hoa Kỳ

Tại Mỹ, tổng số tàu container ở cụm cảng Los Angeles và Long Beach có trên 57 chiếc tính vào giữa tuần trước, đây là con số cao nhất kể từ cuối tháng 2. Các chỉ số khác như thời gian lưu lại của container cũng đang tăng cao trở lại.

Một phần hàng hóa tồn đọng của California chỉ đơn thuần là chuyển về bờ Đông để tìm kiếm các tuyến đường nhanh hơn. Dẫn đến hệ quả là tình trạng tắc nghẽn bị đảo ngược, khi lượng container xếp hàng chờ bốc dỡ bên bờ Đông vượt qua bờ Tây theo dữ liệu từ MarineTraffic.

Tại Châu Âu

Tình trạng tắc nghẽn ở châu Âu cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Các cảng chính như Rotterdam, Hamburg, Antwerp và ba cảng ở Anh đang hoạt động ở mức công suất cao. Họ đang phải vật lộn để nhận thêm container vì không còn không gian để lưu trữ chúng.

 

Góc Nhìn Từ Các Chuyên Gia

Các nhà kinh tế tại Goldman Sachs thừa nhận khó khăn trong chuỗi cung ứng "có phần tồi tệ hơn chúng tôi dự đoán, và chúng tôi đã điều chỉnh một chút dự báo tăng trưởng và lạm phát trong những tuần gần đây". Stephanie Loomis - Phó chủ tịch phụ trách thu mua quốc tế của CargoTrans cho biết, một số công ty có thể đã cố gắng chuyển đơn đặt hàng của họ đến nơi khác hoặc tiến hành hủy đơn.

Các chuyên gia dự đoán, ngay cả khi dịch bệnh được khống chế, gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn sẽ lan rộng toàn cầu, kéo dài đến hết năm nay.

"Chúng tôi dự đoán tình trạng lộn xộn hơn năm ngoái. Nó sẽ tác động tiêu cực đến cả năm 2022", Jacques Vandermeiren - Giám đốc điều hành cảng Antwerp nhận định.

Trung Quốc chiếm khoảng 12% thương mại toàn cầu và các hạn chế chống dịch của họ đã khiến các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động, việc giao hàng bằng xe tải bị chậm lại và làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn container.

Các nhà máy và kho hàng ngừng hoạt động làm trầm trọng thêm tình hình chuỗi cung ứng toàn cầu
Foxconn và nhiều nhà máy khác buộc phải ngừng hoạt động sản xuất tại Thượng Hải do Covid-19 lan rộng

Các cảng của Mỹ và châu Âu vốn đã ngập trong hàng hóa nên càng dễ bị ảnh hưởng bởi cú sốc mới này. "Khi hoạt động xuất khẩu nối lại và một lượng lớn tàu cập cảng bờ Tây của Mỹ, chúng tôi dự báo thời gian chờ đợi sẽ tăng lên đáng kể", Julie Gerdeman - Giám đốc điều hành của công ty phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics cho biết.

Trong ngắn hạn, việc tắc nghẽn đồng nghĩa với chi phí gia tăng lên lưu lượng 22.000 tỷ USD thương mại hàng hóa toàn cầu, vốn đã sụt giảm vào năm 2020 và vừa phục hồi lại vào năm ngoái. Về lâu dài, sự hỗn loạn đang vẽ mối liên kết của thương mại điện tử xuyên biên giới. Với một số CEO đang phải quay cuồng trong mạng lưới sản xuất xa xôi, việc mang nhà máy về gần nhà không còn là khẩu hiệu yêu nước nữa mà trở thành một nhu cầu trong bối cảnh mọi việc bất ổn.

Lorenzo Berho - Giám đốc điều hành của Vesta - một nhà phát triển các tòa nhà công nghiệp và trung tâm phân phối ở Mexico cho biết, đang thực hiện chuyển hướng sang các chuỗi cung ứng ngắn hơn. Họ muốn đến những nơi như Mexico để giảm tiếp xúc với châu Á. "Toàn cầu hóa như chúng ta biết có thể sắp kết thúc", ông nói.

Các nhà hoạch định chính sách chủ chốt đang nêu ra ý tưởng về sự thay đổi trong các chuỗi cung cấp cho các nước phát triển. Phần lớn chúng xoay quanh việc liệu đại dịch có thuyết phục được người tiêu dùng chịu trả giá cao hơn cho các sản phẩm sản xuất gần nhà hay không. Ít nhất đã có một phân tích tư vấn cho thấy có sự chấp nhận đó.

Brian Ehrig - chuyên gia Công ty tư vấn Kearney cho biết:

Việc chuyển vị trí chuỗi cung ứng "có thể tốn nhiều chi phí hơn, nhưng nếu bạn sản xuất ít sản phẩm hơn mà bán được với giá gần như cũ thì có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi".

Theo khảo sát, 78% CEO đang cân nhắc điều chỉnh lại chuỗi cung ứng. "Tôi cho là toàn cầu hóa sẽ không bao giờ chết, tuy nhiên, nó sẽ phát triển sang một hình thức khác", chuyên gia Shay Luo của Kearney đánh giá.

 

Những hệ lụy lâu dài

Các công ty đã vượt qua những đợt hỗn loạn nguồn cung trong năm qua một phần bằng cách tăng giá và người tiêu dùng phần lớn đã chấp nhận. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nguồn cung khó khăn từ Trung Quốc đặt ra thách thức đáng sợ hơn về nhu cầu hộ gia đình.

Tesla đã mất khoảng một tháng sản xuất trong thời gian Thượng Hải đóng cửa. Nhà bán lẻ Bed Bath & Beyond vào đầu tháng này cho biết mức tồn kho "cao bất thường" trong các giai đoạn vận chuyển hay kẹt ở cảng.

Alcoa - tập đoàn nhôm khổng lồ đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế toàn cầu, tuần trước đã đổ lỗi cho những trục trặc trong vận tải là nguyên nhân dẫn đến tồn kho cao hơn. Continental AG - nhà sản xuất phụ tùng xe hơi lớn thứ hai châu Âu, đã hạ dự báo tăng trưởng sản xuất xe du lịch và xe thương mại hạng nhẹ toàn cầu từ mức hạ 4% đến mức hạ 6%, từ mức hạ 6% đến mức hạ 9%.

chuỗi cung ứng toàn cầu khủng hoảng gây nhiều hệ lụy
Các xe tải xếp hàng chờ qua trạm kiểm tra trên một cao tốc hướng vào Thượng Hải ngày 30/3 (Nguồn: Bloomberg)

Wang Xin - người đứng đầu Hiệp hội Thương mại Điện tử Xuyên biên giới Thâm Quyến cho biết, việc phong tỏa ở thành phố này chỉ kéo dài một tuần nhưng nhiều người bán đang phải chịu cảnh chậm giao hàng một tháng.

Từ các nhà sản xuất ôtô cho đến các nhà sản xuất thiết bị điện tử ở Thượng Hải đã dần dần nối lại hoạt động, theo chính sách sản xuất khép kín. Tuy nhiên, tăng cường sản xuất sau khi ngừng hoạt động không phải là một quá trình tức thì. Tesla đã khởi động lại nhà máy ở Thượng Hải sau ba tuần đóng cửa, nhưng không chắc có thể hoạt động trong bao lâu với nguồn cung cấp linh kiện hạn chế.

"Sự thay đổi trong các chính sách phòng ngừa Covid ở các thành phố khác nhau đã gây ra tác động đặc biệt nghiêm trọng đến logistics", Cui Dongshu - Tổng thư ký Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho biết.

 

U&I Logistics