04/02/2025
The Loadstar - Việc các chủ hàng thương mại điện tử đặt trước chỗ vận chuyển hàng hóa (slot) đã làm gia tăng khoảng chênh lệch giữa giá cước trên hợp đồng và cước giao ngay, khiến các doanh nghiệp xuyên Đại Tây Dương có nhiều khả năng sẽ chấp nhận chi trả cho mức giá giao ngay.
Vào cuối tháng 1/2025, Giám đốc phụ trách Phát triển Sản phẩm tại WorldACD - Rogier Blocq, đã chia sẻ tại Hội nghị Chuyên đề về Vận tải hàng hóa toàn cầu tại Bruges: “Nếu chúng ta xem xét diễn biến giá cước trên toàn thế giới vào năm 2024, giá giao ngay biến động mạnh hơn so với giá hợp đồng, và vào cuối năm, mức chênh lệch còn cao hơn”.
“Điều này gây ra một chút bất ngờ. Tuy nhiên, mặc dù mức tăng là rất nhỏ, cước giao ngay thực tế đã tăng”, ông nói thêm.
Ông Blocq giải thích rằng điều này có "tác động đến lượng giao dịch trên thị trường giao ngay", giá tăng sẽ khiến các công ty giao nhận "hào hứng hơn" với việc ký hợp đồng vận chuyển dài hạn.
Ông nói thêm: “Chúng ta thấy thị phần giao ngay giảm đi, và nhiều giao dịch dần chuyển sang các hợp đồng dài hạn”.
Tuy nhiên, ông lưu ý đến “sự khác biệt lớn về hành vi” giữa các tuyến Á - Âu và châu Âu - Bắc Mỹ.
"Chênh lệch giữa giá giao ngay và giá hợp đồng trên tuyến Á - Âu rất nhỏ, điều này có nghĩa là các bên đã chuẩn bị khá tốt cho đợt cao điểm lớn. Thị trường đã hoảng loạn đến mức nguồn cung vận chuyển đã được chốt kế hoạch từ khá sớm”, ông Blocq cho biết.
Quả thật vậy, Peter Scholten, Giám đốc Thương mại của Air One Aviation, giải thích rằng: “Tôi nghĩ những gì chúng ta thấy hiện nay là sự trưởng thành của những gã khổng lồ thương mại điện tử – Alibaba, Temus và Sheins.
“Một xu hướng hiện nay là các chủ hàng lớn đang trở nên chuyên nghiệp hơn và ký kết các hợp đồng dài hạn. Họ nhận thức được rằng chỉ có khoảng 550 máy bay chở hóa, và họ muốn đảm bảo nhu cầu, giữ vững các hợp đồng dài hạn”.
Ông Blocq cho biết thêm, đối với các tuyến đường từ Châu Âu sang Bắc Mỹ, "sự chuẩn bị kém hơn một chút" và các chủ hàng gặp khó khăn hơn trong việc ký kết các hợp đồng dài hạn, "do sự chuyển dịch nguồn năng lực sang thị trường Châu Á”.
Ông nói: “Nếu bạn nhìn vào Mỹ, nguồn lực vận chuyển xuyên Đại Tây Dương đã giảm 10%, điều này gây ra sự gia tăng đột biến về lợi nhuận và giá cước giao ngay trên tuyến xuyên Đại Tây Dương… Và điều đó đã có tác động rõ rệt đến thị trường”.
Ludwig Hausmann, chuyên gia tư vấn của hãng McKinsey & Co, giải thích rằng thương mại điện tử xuyên biên giới “thực sự thúc đẩy hoạt động vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và Bắc Mỹ” trong năm 2024, với mức tăng trưởng gần 21% so với năm 2023.
“Để hiểu rõ hơn, con số này cao hơn 36 chuyến bay chở hàng mỗi ngày so với năm 2023 trong một thị trường mà nguồn lực vận tải hàng hóa không tăng trưởng. Điều này có nghĩa là thị trường này đã thu hút một lượng lớn nguồn lực hàng không từ các tuyến khác, từ đó hỗ trợ lợi nhuận trên các thị trường khác”, ông Hausmann kết luận.
The Loadstar
U&I Logistics