06/10/2021
Tại châu Âu, giá giấy đang tăng phi mã ở tất cả các phân khúc đã gây ra các biến động tại thị trường Việt Nam.
Nguồn cung nguyên liệu sản xuất giấy tại châu Âu tăng mạnh gây biên động giá giấy trên thị trường Việt Nam (Ảnh: Kinh Tế & Dự Báo Online)
Thị trường giấy tại Việt Nam
Mặc dù Việt Nam là quốc gia hàng đầu về xuất khẩu dăm gỗ để sản xuất bột giấy, nhưng ngành công nghiệp sản xuất giấy lại phụ thuộc nhiều vào nguồn bột giấy nhập khẩu.
Đặc biệt nhất là khi doanh nghiệp đang đối mặt với thách thức thiếu nguồn cung đầu vào và giá nguyên liệu duy trì ở mức cao trong 6 tháng đầu năm. Nguyên nhân chính là do nguồn cung chính giấy thu hồi là ở Bắc Mỹ, châu Âu và Nhật Bản vẫn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tình hình dịch bệnh. Đây cũng là yếu tố gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất bao bì nội địa.
Giá giấy tại châu Âu tăng phi mã
Hiện nay, giá giấy tăng phi mã ở tất cả các phân khúc: giấy in sách báo, giấy carton bao bì, bột giấy và ngay cả vụn báo cũ cũng tăng mạnh tại thị trường châu Âu. Giá giấy đã tăng gần gấp đôi so với cuối năm 2020.
Theo tờ Corriere della Sera tại Italy, bột giấy để sản xuất giấy in và bìa cứng đã tăng 60 - 70% chỉ trong 6 tháng đầu năm. Giá giấy báo cũ và carton tái chế cũng tăng kỷ lục, gần gấp rưỡi, một tấn giấy vụn hiện có giá 155 Euro, bìa cứng thu gom có giá bán 170 Euro/tấn.
Tờ Kurier ra tại Áo đã phân tích một số nguyên nhân tạo nên cơn sốt giá hiện nay, đầu tiên là thiếu nguồn giấy cũ, giấy vụn thu gom.
Tình hình dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp chuyển sang hình thức quảng cáo trực tuyến, không còn in ấn như lúc trước. Điều này đã khiến lượng giấy cũ, giấy vụn suy giảm, dẫn tới tình trạng thiếu hụt nguyên liệu cho các nhà máy giấy. Bởi vì 75% nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy là từ giấy cũ tái chế.
Lý do thứ hai là do nhu cầu về giấy của châu Á và Mỹ tăng mạnh, đặc biệt là bìa carton làm bao bì, do mua sắm qua mạng tăng đột biến kể từ khi có đại dịch. Hãng Amazon của Mỹ đã mua gom hầu như toàn bộ lượng bìa carton do châu Âu xuất khẩu.
Lý do cuối cùng là mua hóa chất, trả tiền điện, tất cả chi phí sản xuất giấy đều tăng.
Trong các nguyên nhân đó, thiếu nguyên liệu là chủ yếu, theo tờ báo Đức Markische Oderzeitung.
Giải pháp đề xuất cho thị trường Việt Nam
Theo Hiệp hội giấy bao bì Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đang rơi vào tình trạng khủng hoảng do kinh doanh thua lỗ, thiếu nguyên liệu đầu vào. Nguyên liệu đầu vào cho sản xuất bao bì chủ yếu là các loại giấy nhưng trong 3 tháng gần đây giá giấy đã tăng rất mạnh. Trung bình giá nguyên liệu trong nước như giấy kiện đã tăng đến 40-50%, còn giấy ngoại nhập cũng tăng từ 20-40%.
Điều đáng lo ngại hơn là nguồn cung giấy đang rất khan hiếm. Các nước ASEAN khi nhận được đơn đặt hàng đều không thể đáp ứng do nhu cầu trong nước họ tăng cao và chính sách hạn chế xuất khẩu để bảo vệ môi trường. Nguồn hàng trong nước hiện nay không đủ cung cấp do chúng ta có quá ít cơ sở, công nghệ chưa đủ tân tiến để sản xuất các loại giấy đặc biệt. Trong khi đó, nguồn cung ổn định từ Nhật Bản lại gặp phải rào cản thuế nhập khẩu quá cao (đến 25%).
Nếu kéo dài tình trạng này thì các doanh nghiệp bao bì sẽ phá sản. Trong hoàn cảnh hiện nay, chỉ còn cách là doanh nghiệp và Nhà nước cùng nhau chia sẻ. Đặc biệt, trong tình giá giấy tăng, Nhà nước nên tính đến việc giảm thuế nhập khẩu giấy tạm thời. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập khẩu giấy, giúp giảm bớt tình trạng khan hiếm nguyên liệu và giảm chi phí giá thành. Nếu không, không chỉ doanh nghiệp bao bì gặp khó khăn, các nhà sản xuất và xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng do giá thành sản phẩm sẽ tăng lên, làm giảm sức mua của khách hàng.
Theo nhiều ý kiến, nước ta có thể đầu tư một nhà máy bột giấy, sản xuất giấy quy mô lớn. Tuy cần nhiều vốn nhưng các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể hợp sức để làm. Điều quan trọng là Nhà nước cần có chính sách cụ thể để hỗ trợ phát triển ngành này, vì việc phát triển liên quan đến các chính sách về trồng rừng và khai thác nguyên liệu, bảo vệ phát triển rừng,... mà điều này nằm ngoài khả năng của các doanh nghiệp.
Việt Nam là thị trường tiềm năng về tiêu thụ, có khả năng phát triển và cung cấp nguyên liệu. Điều này sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất và xuất khẩu trong nước. Sản xuất và xuất khẩu lại đi kèm với sự phát triển của đóng gói, bao bì. Vậy nên, Nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện để phát triển ngành bao bì giấy tại Việt Nam để thúc đẩy sự phát triển kinh tế cũng như giải quyết các vấn đề về xã hội.
Theo U&I Logistics