Tin tức

Biến động chuỗi cung ứng toàn cầu: Ấn Độ mất điểm, Đông Nam Á, châu Phi và Bắc Mỹ hưởng lợi

 25/02/2025

The Loadstar - Theo Chỉ số Logistics tại các thị trường mới nổi do Agility and Transport Intelligence (Ti) công bố ngày 18/2, xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục đến cuối thập kỷ này, với những “bên thắng và bên thua” dần lộ diện.

Trong cuộc khảo sát với hơn 550 chuyên gia trong ngành thương mại và logistics, 54% chuyên gia cho biết họ có kế hoạch chuyển một phần sản xuất và/hoặc chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc trước năm 2030 – tăng 16,6% so với kết quả khảo sát năm ngoái.

bien-dong-chuoi-cung-ung-toan-cau-an-do-mat-diem-dong-nam-a-chau-phi-va-bac-my-huong-loi
Nguồn: WSJ

“Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy các chuyên gia trong ngành đang cố gắng cân bằng rủi ro và lợi ích trong một thời kỳ đầy biến động”, báo cáo nhận định.

Trong số đó, 14,2% cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là lý do chính cho quyết định dịch chuyển, và hơn 80% tổng số người tham gia khảo sát đánh giá tác động của thuế quan lên chuỗi cung ứng của họ là đáng kể (47,3%) hoặc rất đáng kể (34,5%).

“Các công ty phụ thuộc vào nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải đối mặt với chi phí cao hơn và có thể đẩy nhanh xu hướng chuỗi cung ứng khu vực hóa. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp nhỏ có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với những gián đoạn này, dẫn đến sự hợp nhất các doanh nghiệp”, báo cáo nhận định.

Ngoài ra, 11,7% cho biết chi phí lao động tăng là lý do chính khiến họ rời khỏi Trung Quốc; 11,3% cho rằng nguyên nhân là do các quy định trong nước (Trung Quốc) đang ngày càng khắt khe, trong khi 10,7% đơn giản chỉ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Khi [Trung Quốc] chuyển đổi từ mô hình sản xuất giá rẻ sang một nền kinh tế bền vững hơn và được quản lý chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp đang cảm nhận rõ áp lực khi phải thích nghi”, báo cáo giải thích.

bien-dong-chuoi-cung-ung-toan-cau-an-do-mat-diem-dong-nam-a-chau-phi-va-bac-my-huong-loi
Khi Trung Quốc chuyển đổi từ mô hình sản xuất giá rẻ sang một nền kinh tế bền vững hơn và được quản lý chặt chẽ hơn, các doanh nghiệp đang cảm nhận rõ áp lực khi phải thích nghi.

Báo cáo cho biết thêm: “Kết hợp với sự giám sát chặt chẽ hơn trên toàn cầu, nhiều công ty coi đây là bước ngoặt, thúc đẩy họ đa dạng hóa hoặc di dời hoạt động sang các khu vực có khả năng tiết kiệm chi phí, ít khắt khe hơn và ổn định hơn về địa chính trị”. 

Tuy nhiên, quy mô, chuyên môn và hạ tầng của Trung Quốc – những yếu tố khó có thể được tái hiện ở các quốc gia khác – đồng nghĩa với việc các công ty nhiều khả năng sẽ “duy trì hoạt động tại Trung Quốc để duy trì hiệu quả sản xuất và đồng thời mở rộng sang các khu vực khác để tăng cường khả năng thích nghi với thị trường”.

Cuộc khảo sát đã phân tích dòng vốn đầu tư vào và ra khỏi các khu vực để xác định điểm đến của các doanh nghiệp đang dịch chuyển và nhận thấy Bắc Mỹ là khu vực hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng đưa các hoạt động sản xuất trở về quốc gia xuất xứ với mức tăng +12,9%, “nhờ lợi thế về khoảng cách gần với thị trường tiêu thụ, hạ tầng mạnh mẽ và nhu cầu tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng”.

bien-dong-chuoi-cung-ung-toan-cau-an-do-mat-diem-dong-nam-a-chau-phi-va-bac-my-huong-loi
Dòng vốn đầu tư dịch chuyển theo xu hướng Đông Nam Á, châu Phi và Bắc Mỹ hưởng lợi

Khu vực châu Phi hạ Sahara ghi nhận mức tăng +9,9%, “nhờ chi phí thấp, nguồn tài nguyên dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện và thị trường thương mại điện tử đang phát triển nhưng chưa được khai thác triệt để”. Đông Nam Á tăng +4,9%, Mỹ Latinh tăng +2,7%, trong khi châu Âu “giữ ổn định” ở mức +0,4%.

Điều đáng ngạc nhiên là các trung tâm sản xuất truyền thống đang đối mặt với nhiều thách thức. Ấn Độ ghi nhận dòng vốn ròng chảy ra lớn nhất, ở mức -31%, “do chi phí gia tăng, rào cản pháp lý và các vấn đề về hạ tầng”.

Thực tế, 18,3% số người được khảo sát cho rằng “tham nhũng” là rào cản lớn nhất đối với đầu tư vào Ấn Độ, tăng 3% so với khảo sát năm ngoái – “đủ để cho thấy đây là một vấn đề mang tính dai dẳng hơn là tạm thời. Cách thức giải quyết vấn đề này vẫn còn là một dấu hỏi”.

Và 16,4% cho biết “bộ máy quan liêu và thủ tục hành chính rườm rà” là yếu tố cản trở lớn nhất đối với đầu tư vào Ấn Độ, trong khi 11,4% nhắc đến mức thuế quan cao.

Khu vực Trung Đông - Bắc Phi cũng chứng kiến dòng vốn ròng chảy ra ở mức -4,7%, “phản ánh rủi ro địa chính trị và thực tế rằng khu vực này chưa thể cạnh tranh hiệu quả với các trung tâm sản xuất khác”.

Báo cáo kết luận rằng: “Dữ liệu cho thấy ngành logistics đang tập trung vào đa dạng hóa và thích nghi với những biến động thị trường. Các khu vực mới nổi như Châu Phi cận Sahara và Mỹ Latinh đang tận dụng tiềm năng chưa được khai thác của họ, trong khi các trung tâm truyền thống như Bắc Mỹ và Châu Âu duy trì sự ổn định”.

“Nhìn chung, chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cân bằng, với một số bên thắng cuộc và kẻ thua cuộc rõ ràng dần lộ diện”.

 

Theo The Loadstar

U&I Logistics