Tin tức

Áp lực gia tăng lên chuỗi cung ứng trước cuộc khủng hoảng điện năng ở Trung Quốc

 19/10/2021

Hình ảnh

Cuộc khủng hoảng điện năng của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng (Ảnh: South China Morning Post)

Cuộc khủng hoảng điện năng của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tiếp tục phá vỡ chuỗi cung ứng, kéo theo thời gian dẫn (lead time) lâu hơn.

Tháng trước, các nhà máy trên khắp vùng trung tâm sản xuất của Đồng bằng Châu Giang (Quảng Đông) và 9 tỉnh khác đã buộc phải cắt giảm sản lượng do chính phủ áp đặt giới hạn năng lượng.

Theo Jacky Yan, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của New Silk Road Intermodal có trụ sở tại Thành Đô, việc cắt điện đã có “tác động lớn” đến lĩnh vực sản xuất, cùng với sự tạm lắng của Tuần Lễ Vàng đã khiến giá cước vận tải container giảm mạnh.

“Và vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn khi nào tình trạng thiếu hụt sẽ kết thúc,” Jacky Yan chia sẻ.

Ông Yan giải thích rằng sự kết hợp của nhiều yếu tố đang gây áp lực lớn lên mức tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc. Thứ nhất, than và khí đốt chiếm 3/4 năng lượng sử dụng của cả nước và giá nhập khẩu đã tăng mạnh trong những tuần gần đây.

“Với việc tăng giá than và giá điện được giữ cố định, các công ty năng lượng đang mất một khoản tiền lớn mỗi ngày. Vì vậy, họ có xu hướng giảm lượng điện năng sản xuất”. “Hơn nữa, mùa đông là mùa khô của các con sông chính, dẫn đến lượng thủy điện ít hơn. Mùa đông đến cũng có nghĩa là chính phủ cần ưu tiên cung cấp điện để sưởi ấm và tiêu dùng”.

Ông Yan nói thêm, một nguyên nhân khác của sự thiếu hụt năng lượng là các mục tiêu phát thải của Trung Quốc. Vì đất nước đã sử dụng hầu hết hạn ngạch do chính phủ quy định trong chín tháng đầu năm, nên bây giờ cần phải rút lại.

“Cuối cùng, với sự bùng phát của dịch Covid-19 ở Đông Nam Á, nhiều ngành sản xuất thâm dụng lao động, tiêu thụ nhiều năng lượng, đã tạm thời được chuyển về Trung Quốc, nhưng đây không phải là điều mà chính phủ mong muốn, vì vậy chúng tôi cũng kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề này.”

Theo Kế hoạch Sản xuất tại Trung Quốc 2025, Bắc Kinh đã rất tập trung vào việc chuyển sản xuất lên cao hơn trong chuỗi giá trị và không khuyến khích sản xuất giá trị thấp, cái mà được cho là nguồn phát thải chính.

Một công ty giao nhận có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục, nó sẽ làm giảm đáng kể sản lượng sản xuất, dẫn đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu giảm và thời gian vận chuyển lâu hơn. Ví dụ, một số nhà sản xuất đã bắt đầu ưu tiên các đơn đặt hàng chứa hàng hóa có giá trị cao hơn”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty giao nhận đều nhận thấy tác động lớn này. Stefan Holmqvist, Giám đốc điều hành của Norman Global Logistics Hong Kong, cho biết rằng đã từng có những đợt thiếu điện ở Trung Quốc trước đây, do thời tiết nắng nóng hoặc sản lượng tăng đột biến do nhu cầu cao.

Ông nói thêm: “Nhưng điều này vẫn đang diễn ra, với sự điều chỉnh về ngày sản xuất được phân bổ ở nhiều tỉnh”.

Theo The Loadstar