10/09/2024
Air Cargo News - Nhu cầu vận tải hàng không năm 2023 chứng kiến sự phục hồi chậm sau suy thoái của thị trường những năm trước và không nằm ngoài xu thế chung, 25 hãng vận tải hàng không hàng đầu thế giới cũng bắt đầu cảm nhận được sức nóng của thị trường.
Năm 2023 là một năm khó khăn cho ngành vận tải hàng không với nhu cầu toàn cầu trong năm, được đo bằng tấn hàng hóa-km (CTK) của 25 hãng hàng không hàng đầu đã giảm 1,7% so với năm 2022, do áp lực lạm phát đã kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng.
Mặt khác, các hãng hàng không chở khách được hưởng lợi từ việc triển khai thêm không gian chứa hàng dưới khoang (belly capacity) nhờ các hạn chế do Covid tiếp tục được nới lỏng, và gia tăng nhu cầu thương mại điện tử vào cuối năm.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) về Thống kê Vận tải Hàng không Thế giới (WATS) cho thấy Federal Express (FedEx) vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong số 25 hãng hàng không vận tải hàng hóa hàng đầu của năm 2023, mặc cho khối lượng vận chuyển của hãng đã giảm 8,3% xuống còn 17,9 tỷ CTK.
Thống kê cũng cho thấy mức giảm 5.7% trong tổng nhu cầu vận tải hàng hóa đối với các hãng vận tải ở khu vực Bắc Mỹ, nguyên nhân có thể là do chi tiêu chậm lại do lạm phát và chương trình cắt giảm chi phí liên quan.
Trong năm 2023, FedEx đã khởi động dự án chuyển đổi DRIVE, bao gồm việc ngừng bay và cho máy bay ‘nghỉ hưu’, giảm các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương, đóng cửa cơ sở, hủy bỏ các dự án mở rộng mạng lưới năng lực, giảm hoạt động vào Chủ Nhật, điều chỉnh số lượng nhân sự phù hợp với khối lượng hàng hóa xử lý, và hoàn tất kế hoạch cắt giảm nhân sự tại châu Âu.
Báo cáo thường niên của FedEx đã nhận xét rằng: “Kết quả hoạt động của chúng tôi trong năm 2023 đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các điều kiện kinh tế vĩ mô, bao gồm lạm phát cao hơn nhiều so với mức lịch sử và lãi suất toàn cầu tăng cao.”
“Để ứng phó với tình hình thị trường, chúng tôi đã thực hiện cắt giảm chi phí và tập trung vào cải thiện năng suất để giảm bớt một phần tác động của tình trạng sụt giảm khối lượng hàng hóa.”
Bên cạnh việc cho nghỉ hưu các máy bay, việc đầu tư vào hiện đại hóa đội bay để tăng hiệu quả về chi phí vẫn là ưu tiên hàng đầu của FedEx.
Cũng trong báo cáo thường niên năm 2023, FedEx cho biết thêm rằng tính đến ngày 31/5, công ty có tổng cộng 407 máy bay chở hàng chính (trunk aircraft), trái ngược với số máy bay trung chuyển nhỏ hơn, so với 417 máy bay của năm trước.
Công ty đã ghi nhận 128 chiếc Boeing 767-300F, tăng 14 chiếc so với ngày 31/5/2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 14 chiếc vào năm 2024, 10 chiếc vào năm 2025.
Ngoài ra công ty có 53 chiếc Boeing 777F, nhiều hơn 2 chiếc so với năm 2022 và có kế hoạch triển khai thêm 4 chiếc 777F trong năm nay và 2 chiếc nữa vào năm 2025.
Đội bay MD-10-30 đã được cho nghỉ hưu, đồng thời FedEx đã đẩy nhanh kế hoạch cho nghỉ hưu đội bay MD-11 dự kiến vào cuối năm 2028, với 11 chiếc bị loại bỏ từ giữa năm 2022 đến giữa năm 2023.
FedEx cũng đã cho nghỉ hưu 4 máy bay Boeing 757-200F, với 115 chiếc còn lại, cộng với 2 máy bay Airbus A300-600, với 65 chiếc vẫn đang hoạt động.
Hãng hàng không đến từ Qatar vươn lên vị trí thứ hai
Qatar Airways đã tăng một bậc lên vị trí thứ hai với mức tăng nhỏ nhưng vượt mức thị trường về lưu lượng hàng hóa là 1%, đạt 14,4 tỷ CTK.
Sự tăng trưởng này diễn ra nhờ việc Qatar Airways mở rộng mạng lưới không gian chứa hàng dưới khoang sau khi các hạn chế liên quan đến Covid được dỡ bỏ và cũng như sự gia tăng nhu cầu thương mại điện tử vào thời điểm cuối năm.
Trong báo cáo tài chính năm 2023/24, hãng hàng không đến từ Trung Đông cho biết họ được hưởng lợi từ nhu cầu vận chuyển dược phẩm và việc cho thuê chỗ của các chuyến bay, cũng như việc mở rộng mạng lưới nhờ không gian chứa hàng dưới khoang tiếp tục được mở rộng.
Được biết, hãng hàng không này đã thực hiện hơn 1.400 lượt vận chuyển các tuyến cho thuê chỗ trống và bổ sung thêm các tuyến chở hàng đến Trung Quốc để phục vụ tốt hơn cho khách hàng thương mại điện tử.
Ngoài ra, các tuyến vận tải hàng hóa mới đã được triển khai tới Algiers, Bogota, Dallas, Dammam, Miami, Sharjah và Warsaw.
Báo cáo cũng xác nhận đội bay của Qatar Airways, bao gồm 28 chiếc 777F, tăng 1 chiếc so với thời điểm cuối tháng 12. Cùng với 34 chiếc Boeing 777-8 đang được đặt hàng (với tùy chọn mua thêm 16 chiếc nữa).
Trước đó, Qatar Airways cho biết hãng vẫn sở hữu 2 chiếc Boeing 747F vào cuối năm trước đó nhưng đã bị loại bỏ ở thời điểm hiện tại.
UPS cắt giảm nhân sự
Tương tự như FedEx, UPS cũng phải chịu những thách thức về kinh tế và tranh chấp hợp đồng lao động, trong vòng 1 năm, hãng đã tụt xuống vị trí thứ 3 với mức giảm 10,4%, đạt 14,2 tỷ CTK.
Tại UPS, ngành chăm sóc sức khỏe là một mảng phát triển mạnh, bên cạnh các mảng kinh doanh cốt lõi là chuyển phát nhanh và thương mại điện tử, tuy nhiên các dịch vụ như: Giải pháp chuỗi cung ứng, kinh doanh trong nước - quốc tế đều trải qua suy thoái.
UPS cho rằng hiệu suất vận chuyển thấp của hãng là do nhu cầu yếu trên các tuyến thương mại châu Á và châu Âu.
Trong báo cáo thường niên năm 2023 của UPS cho biết: “Trong năm qua, những trở ngại kinh tế vĩ mô, bao gồm áp lực lạm phát và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, cùng với sự chuyển hướng hàng hóa khỏi các tuyến vận chuyển do các cuộc đàm phán về thỏa thuận lao động của chúng tôi với Nghiệp đoàn Teamsters, đã góp phần làm giảm khối lượng hàng hóa được vận chuyển trong quá trình hoạt động kinh doanh của chúng tôi tại Hoa Kỳ.”
“Trên bình diện quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức cùng với căng thẳng địa chính trị đã dẫn đến sụt giảm nhu cầu về dịch vụ chuyển phát hàng hóa của chúng tôi tại Châu Âu và Châu Á.
“Hoạt động giao nhận hàng hóa của chúng tôi, bao gồm cả dịch vụ môi giới vận tải đường bộ, đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhu cầu yếu và tình trạng dư thừa công suất thị trường.”
UPS cũng đã thử nghiệm việc triển khai các gói trợ cấp thôi việc cho phi công, giữa tình huống hãng vận tải này phải cắt giảm số lượng chuyến bay do điều kiện kinh tế.
Giám đốc điều hành Carol Tomé cho biết trong cuộc gọi về báo cáo tài chính của UPS cho quý IV năm 2023: “Năm 2023 là một năm đặc biệt và, thành thật mà nói, là một năm khó khăn và đáng thất vọng.
“Chúng tôi đã trải qua sự sụt giảm về khối lượng, doanh thu và lợi nhuận hoạt động trong cả ba phân khúc hoạt động chính của mình.”
“Một phần của sự sụt giảm này là do môi trường kinh tế vĩ mô, một phần khác là do sự gián đoạn liên quan đến việc đàm phán hợp đồng lao động của chúng tôi, cũng như chi phí cao đối với các hợp đồng mới.”
Nói riêng về quý IV, theo truyền thống vốn là giai đoạn cao điểm đối với vận tải hàng không, giám đốc tài chính Brian Newman cho biết phân khúc quốc tế, xuất khẩu đã bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế yếu kém ở châu Âu khiến dịch vụ chuyển phát nhanh không còn được ưa chuộng, trong khi nhu cầu ở các lĩnh vực bán lẻ và công nghệ cao tại châu Á lại yếu.
Nhìn vào các thương vụ mua lại đáng chú ý, việc tiếp quản Bomi Group vào năm 2022 đã tăng cường hoạt động logistics y tế của UPS vào năm 2023 trên toàn châu Âu và Mỹ Latinh.
Công ty cũng đã mua lại MNX Global Logistics, một công ty chuyên xử lý hàng có yêu cầu về thời gian và nhiệt độ, để mở rộng khả năng chuỗi lạnh của mình trong Quý 4/2023.
Tương tự như các hãng khác, UPS đã thực hiện các bước để cải thiện hiệu quả hoạt động bằng cách tái cấu trúc đội bay của mình.
Hãng có 563 máy bay vào cuối năm 2023, so với 586 máy bay của năm 2022. 269 trong số này là máy bay thuê theo hợp đồng và thuê lại từ các hãng hàng khác, giảm so với 295 máy bay vào năm 2022.
Trong số các máy bay do UPS sở hữu và/hoặc vận hành, có 75 chiếc Boeing 757-200F, không thay đổi so với năm ngoái.
Hãng còn có 88 chiếc 767-300F, nhiều hơn 7 chiếc so với cuối năm 2022. Và 21 chiếc khác đang được đặt hàng.
Ngoài ra, hãng còn sở hữu 41 chiếc Boeing 747F, không thay đổi so với năm 2022. 2 chiếc 747-8F vẫn đang được đặt hàng từ năm trước.
Và hãng cũng có 36 chiếc MD-11 sau khi đã cho nghỉ hưu 6 chiếc khác. UPS có kế hoạch cho nghỉ hưu thêm 9 chiếc máy bay chủng loại này trong năm nay.
Những cái tên còn lại: Tăng trưởng và sụt giảm
Cathay Pacific Airways đã gặt hái được nhờ các hoạt động kinh doanh hậu đại dịch với việc tăng 5 bậc trong danh sách các hãng hàng không hàng đầu.
Việc các lệnh phong tỏa do Covid và các quy định về cách ly phi hành đoàn kết thúc đã tạo đà thuận lợi cho Cathay Pacific Airways đặt trụ sở tại Hồng Kông, từ đó khôi phục công suất vận chuyển với việc tăng cường các chuyến bay chở khách và chở hàng.
Khối lượng vận chuyển của Cathay Pacific Airways đã dần được cải thiện trong suốt năm qua, nhờ vào nhu cầu vận chuyển hàng thương mại điện tử và hàng dễ hỏng.
Trong khi đó, hãng vận tải Lufthansa được hưởng lợi từ việc phát triển mạng lưới nội địa châu Âu sử dụng dòng máy bay A321F để đáp ứng nhu cầu thương mại điện tử và triển khai các dịch vụ chở khách. Báo cáo thường niên năm 2023 của hãng cho biết rằng khối lượng vận chuyển của hãng "có xu hướng tăng" trong nửa cuối năm, ghi nhận tại thống kê của IATA hãng đã tăng 3 bậc.
Ngược lại, hãng hàng không China Airlines có trụ sở tại Đài Loan cũng thừa nhận trong báo cáo thường niên năm 2023 rằng “áp lực lạm phát đã giảm bớt” và nhu cầu tăng trong nửa cuối năm, nhưng tụt 4 bậc trên thống kê của IATA.
Tương tự với China Airlines, All Nippon Airways cũng ghi nhận giảm 4 thứ hạng. Hãng hàng không đến từ Nhật Bản này, hiện đang trong quá trình mua lại Nippon Cargo Airlines (NCA), cho biết rằng hãng đã bị ảnh hưởng bởi sự giảm sút nhu cầu liên tục từ các ngành công nghiệp chính như chất bán dẫn, điện tử và ngành công nghiệp ô tô.
Nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục gặp khó khăn trong năm. Avianca là hãng vận chuyển mới trong danh sách ở vị trí thứ 15 và cùng với China Cargo Airlines ở vị trí thứ 19.
Trong khi Air France cùng với Japan Airlines lại bị loại khỏi danh sách 25 hãng vận tải hàng không hàng đầu.
Tình hình thị trường
Những thách thức mà các hãng hàng không phải đối mặt vào năm 2023 không có gì đáng ngạc nhiên vì phải đến nửa cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi.
Sự sụt giảm khối lượng đã thu hẹp xuống mức thấp nhất trong năm vào tháng 6, sau đó khối lượng bắt đầu tăng lên vào tháng 8, lần đầu tiên sau 19 tháng. Mức giá cước vận chuyển cũng bắt đầu cải thiện vào tháng 8/2023.
Tuy nhiên, công suất chở hàng tiếp tục tăng nhanh hơn nhu cầu, tháng 11/2023 là tháng đầu tiên mà cầu vượt cung.
Mặc dù CTK tháng 12 đã tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng mức phục hồi này vẫn không đủ để đưa các chỉ số tổng thể của cả năm lên mức tích cực.
Tương tự với tình hình của 25 hãng hàng không hàng đầu, nhu cầu toàn cầu trong cả năm trên toàn ngành cũng giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu vận chuyển cũng thấp hơn năm 2019 3,6%.
Trong khi đó, nhu cầu vận tải hàng hóa giảm 5% trong năm và sức chứa trong khoang hàng tăng 3,9%.
Tổng giám đốc của IATA - Willie Walsh cho biết trong thông cáo báo chí vào tháng 1: "Bất chấp những thách thức về chính trị và kinh tế, năm 2023 đã chứng kiến ngành vận tải hàng không lấy lại phần nào vị thế đã mất trong năm 2022 sau những đỉnh cao phi thường vào năm 2021 do ảnh hưởng của Covid".
Bình luận thêm về hiệu suất tài chính của ngành vận tải hàng không trong báo cáo thường niên năm 2024 của IATA, ông Walsh cho biết doanh thu của vận tải hàng hóa ước tính sẽ giảm một phần ba.
"Sự suy giảm này chủ yếu do nhu cầu giảm và giá cước vận tải hạ xuống."
Ông Walsh bổ sung thêm: “Áp lực giảm lợi nhuận đến từ việc tăng công suất chở hàng ở khoang dưới khi nhiều máy bay chở khách trở lại hoạt động, và từ sự cạnh tranh với giá cước vận tải biển thấp hơn.”
Về khu vực, các hãng hàng không Mỹ Latinh là những hãng có hiệu suất tốt nhất với mức tăng 2%, sau nhiều năm gián đoạn do tái cơ cấu.
Khu vực Trung Đông ghi nhận mức tăng 1,6%, trong khi khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dù có sự gia tăng từ hàng hóa thương mại điện tử, chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 0,9%.
Trong khi đó, Châu Phi chứng kiến mức giảm 1,8%, tình hình ở Châu Âu còn tệ hơn với mức giảm mức giảm 3,9%.
Nhận định của IATA cho rằng: "Các hãng hàng không trong khu vực này chịu ảnh hưởng nặng nề từ xung đột ở Ukraine."
Tuy nhiên, Bắc Mỹ mới là khu vực ‘đau thương’ nhất với mức giảm 5.7%, trong đó nhu cầu nội vùng là điểm trũng trong hoạt động vận tải hàng không.
Theo Air Cargo News
U&I Logistic