08/04/2023
U&I Logistics - Vào ngày 6/4/2023 tại thành phố Hồ Chí Minh, U&I Logistics đã tham dự buổi Tọa đàm “Phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa” do Tạp chí Hải quan tổ chức.
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, là một trong những vùng kinh tế năng động nhất, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, hoạt động logistics tại vùng kinh tế này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của vùng.
Đây là một trong những vấn đề được bàn luận tại buổi Tọa đàm "Phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa" diễn ra vào sáng ngày 6/4/2023 tại TP Hồ Chí Minh do Tạp chí Hải quan tổ chức. Buổi Tọa đàm có sự góp mặt của các diễn giả đầu ngành cùng khoảng 150 đại biểu đại diện cho các tổ chức và doanh nghiệp tham dự.
Các giải pháp phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm thúc đẩy phát triển hàng hóa xuất nhập khẩu
Trước các thực trạng nêu trên, Cục Hải quan đã đề xuất các giải pháp phát triển logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa.
Giải pháp đầu tiên là xây dựng mô hình làm việc tập trung khép kín, thực hiện thủ tục hải quan 24/7 trên cơ sở thiết lập kênh trao đổi thông tin riêng giữa cơ quan Hải quan – Tổng công ty TCSG – Doanh nghiệp.
Giải pháp thứ hai là bố trí khu vực xếp hàng hóa riêng, có phương án giao nhận hàng hóa tại cầu cảng và phân luồng di chuyển riêng cho xe chở container của các doanh nghiệp tham gia đề án.
Giải pháp thứ ba là ứng dụng Công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống giám sát trực tuyến quá trình làm thủ tục hải quan – giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá mức độ hài lòng của người làm thủ tục.
U&I Logistics - Chú trọng hạ tầng mạng và ứng dụng chuyển đổi số để tối ưu hóa chi phí logistics
Tại buổi tọa đàm, ông Phạm Anh Tuấn - Giám đốc Kinh Doanh Cước quốc tế Đường hàng không của U&I Logistics đã đưa ra kiến nghị liên quan đến vấn đề phát triển logistics vùng kinh tế phía Nam. Ông Tuấn cho biết, bên cạnh cơ sở hạ tầng cảng và giao thông, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm và chú trọng đến hạ tầng mạng.
Trong giai đoạn 4.0, cơ sở hạ tầng mạng đang góp vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa lưu lượng truy cập và đảm bảo tính bảo mật khi thực hiện kê khai các thủ tục hải quan qua các phần mềm trực tuyến. Tuy nhiên, nguy cơ tấn công DDoS luôn tiềm ẩn và có thể xảy ra bất cứ lúc nào, do đó việc đề phòng và ngăn chặn trước các cuộc tấn công này là rất quan trọng.
Bên cạnh các vấn đề nêu trên, chuyển đổi số nhằm tiết giảm chi phí là một trong những nội dung được các doanh nghiệp logistics đề cập khá nhiều trong buổi Tọa đàm. Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, ứng dụng công nghệ giúp doanh nghiệp logistics tối ưu hóa chi phí, tăng năng suất giao hàng và cung cấp các dịch vụ làm hài lòng khách hàng.
Là một trong những doanh nghiệp dịch vụ logistics tiên phong trong việc ứng dụng chuyển đổi số, U&I Logistics đã tích cực ứng dụng chúng vào các hệ thống quản lý nghiệp vụ như: quản lý kho, quản lý vận tải, quản lý vận hành tập trung, quản lý nhân sự,... Điều này đã giúp tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và thời gian quản lý hàng hóa, giảm chi phí phân phối và lưu kho, đồng thời theo dõi chính xác hoạt động giao nhận vận tải.
U&I Logistics