}

Xăng dầu tăng giá kịch liệt khiến doanh nghiệp Logistics chao đảo như thế nào?

 11/03/2022

U&I Logistics - Giá xăng dầu tăng ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp nói chung và hệ thống vận tải hoạt động logistics nói riêng, do phí xăng dầu chiếm hơn 30% trong tổng chi phí cấu thành của logistics hiện nay. Đặc biệt, tình hình chiến sự tại Ukraine đang rất căng thẳng khiến xăng dầu chưa có dấu hiệu ngừng leo thang. Cùng U&I Logistics tìm hiểu sự ảnh hưởng của chi phí xăng dầu lên doanh nghiệp logistics như thế nào nhé!

Xăng dầu tăng giá kịch liệt khiến doanh nghiệp logistics gặp nhiều khó khăn
Xăng dầu tăng giá đến đỉnh điểm vào ngày 11/3 khiến nhiều doanh nghiệp logistics gặp nhiều khó khăn

PHẦN 1: THỰC TRẠNG HIỆN NAY

Ngành logistics chắc chắn không còn xa lạ với chủ đề biến động giá nhiên liệu và tính chất “dễ bay hơi” của loại hàng hóa này. Nhưng với đà tăng chóng mặt của xăng dầu, điển hình là giá xăng RON 95 tăng đến 29.825 đồng/lít được công bố lúc 15h chiều 11/3 đã khiến nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics bày tỏ sự lo lắng.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã gặp thách thức lớn trong việc thiếu hụt container trống do dịch bệnh COVID-19 thì nay lại khó khăn chồng chất bởi giá nhiên liệu tăng cao, gây ảnh hưởng nặng nề cho ngành vận tải hoạt động trong hệ thống logistics. 

Giá xăng dầu tăng cao nhất trong 20 năm qua
Giá xăng tại Việt Nam có xu hướng tăng lên mức cao nhất lịch sử (Nguồn: vov.vn)


PHẦN 2: ẢNH HƯỞNG CỦA CHI PHÍ XĂNG DẦU ĐẾN DOANH NGHIỆP 

Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là “Giá nhiên liệu ảnh hưởng như thế nào đến những yếu tố của một doanh nghiệp Logistics”, cùng U&I phân tích ngay nhé!

 

CHI PHÍ LOGISTICS TĂNG HÀNG LOẠT 

Không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, doanh nghiệp đối diện với việc lỗ nặng

Chi phí logistics chủ yếu sẽ gồm 3 loại phí: chi phí vận tải, chi phí kho bãi và chi phí hàng dự trữ. Trong đó, chi phí vận tải là lớn nhất chiếm đến 60%. Khi giá xăng tăng đột biến sẽ phản ánh ngay vào chi phí vận tải nội địa, chi phí vận tải quốc tế thông qua phụ phí về cước xăng dầu…, từ đó gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp. 

Ngoài ra, chi phí vận tải tăng tác động vào cấu thành phí logistics với một loạt phí cùng tăng khác như: phí cầu đường, phí xăng dầu, chi phí nhân công, phí cầu cảng bến bãi. Do vậy, buộc các doanh nghiệp phải có phương án thay đổi giá thành dịch vụ cung ứng, nếu không tăng giá cước logistics theo chi phí giá xăng, doanh nghiệp đối diện với việc lỗ nặng. 

Trong hoạt động kinh doanh vận tải và logistics nói chung, không có ràng buộc doanh nghiệp phải cố định giá mà sẽ có điều chỉnh theo biến động của thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, hầu hết các hợp đồng cung ứng dịch vụ logistics ký kết với đối tác cần phải giữ giá định kỳ theo năm nên không thể điều chỉnh ngay được. Thực tế này đã khiến nhiều doanh nghiệp logistics chấp nhận rủi ro buộc phải đẩy cao giá dịch vụ cung ứng nếu khách hàng chấp nhận đàm phán hoặc rơi vào tình trạng thua lỗ nặng. 


 

 CHIẾN LƯỢC KINH DOANH THAY ĐỔI

các công ty logistics buộc phải tái cấu trúc hoặc lập chiến lược hoạt động của mình

Với sự biến động liên tục của giá nhiên liệu, các công ty logistics buộc phải tái cấu trúc hoặc lập chiến lược hoạt động của mình để đảm bảo lợi nhuận và tránh mọi thất bại có thể tiềm ẩn. Sự gia tăng chi phí vận tải đã khiến một số doanh nghiệp bắt đầu giữ nhiều hàng tồn kho hơn, giảm thiểu lượng vận chuyển cần thiết. 

Cộng hưởng thêm từ tình hình giá cước container tăng cao khi đi thị trường châu Âu hoặc Hoa Kỳ, gấp 4-10 lần so với năm 2020, một số doanh nghiệp buộc phải thực hiện chiến lược “cắt giảm mọi chi phí” để thích ứng và tồn tại trong bối cảnh hiện nay. Việc quản lý chi phí logistics này được tập trung đẩy mạnh liên tục, và liên kết chặt chẽ với các phòng ban hành chính khác nhau trong doanh nghiệp. 

Để giảm chi phí vận tải, các doanh nghiệp logistics còn kết hợp với nhiều thành viên trong chuỗi cung ứng, để chuỗi cung ứng giảm nhiều trung gian, giảm sự lòng vòng từ khâu phân phối hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Qua đó, giúp giảm đáng kể phí vận chuyển trong chuỗi vận tải. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải chịu đựng tình thế lợi nhuận bị bào mòn đáng kể do chi phí vận tải ở mức cao trong thời gian dài.

 

NĂNG LỰC CẠNH TRANH CỦA DOANH NGHIỆP SỤT GIẢM

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam giảm do chi phí nhiên liệu cao

Logistics là các hoạt động mang tính dây chuyền, hiệu quả của chúng có tính quyết định đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Nếu đà tăng của giá xăng dầu khó hãm, chi phí logistics cao, và giải quyết không tốt bài toán chi phí logistics thì doanh nghiệp sẽ mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khách hàng sẽ tìm kiếm những mối hàng chất lượng tương đương nhưng giá vận chuyển rẻ hơn.

Từ trước đến nay, 95% các doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về sân chơi so với doanh nghiệp nước ngoài.

Một khi giá nhiên liệu trở thành gánh nặng của doanh nghiệp, chúng đem lại nhiều bất lợi trong cạnh tranh, điển hình như tăng cách biệt về mặt chi phí logistics của Việt Nam so với bình quân thế giới và trong khu vực. Tính trong ASEAN, Việt Nam hiện nay đã ở mức 16,80% cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,50%, Malaysia 13,00% và Thái Lan là 15,50%.


 

PHẦN 3: CHIẾN LƯỢC BẢO VỆ MÌNH TRƯỚC BIẾN ĐỘNG GIÁ NHIÊN LIỆU

Tuy khó khăn, nhưng không phải là không có giải pháp. Nhiều công ty logistics đã tự thân áp dụng các chiến lược để bảo vệ mình trước tác động của giá nhiên liệu tăng với trọng tâm là giảm chi phí vận tải:

 

Consolidation - Hợp nhất

Chiến lược này thực hiện bằng cách giảm số lượng nhà cung cấp dịch vụ vận tải và tập hợp các nhu cầu của chuỗi cung ứng thông qua việc tìm nguồn cung ứng đơn lẻ. Qua đó, các doanh nghiệp vận tải sẽ có khối lượng hàng hóa nhiều hơn cho mỗi chuyến, tạo điều kiện cho gói dịch vụ được chiết khấu cao hơn.

 

Making efficiencies - Cải tiến chất lượng

Để giúp giải quyết các biến động giá nhiên liệu luôn thay đổi, các công ty logistics buộc phải nghĩ ra các cách để không ngừng cải thiện dịch vụ của họ và tạo ra những cải tiến quan trọng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Đối với những doanh nghiệp muốn ít rủi ro hơn, hoàn toàn có thể quyết định khóa mức rủi ro về giá nhiên liệu của mình để giúp đảm bảo số ngân sách trong năm.

 

“Nearshoring”

Chiến lược này giúp giảm thiểu thời gian vận chuyển cho các sản phẩm trong chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng “nearshoring” bằng việc tìm nguồn cung ứng sản phẩm và nguyên liệu thô từ các địa điểm gần thị trường cuối cùng nhằm giảm chi phí vận chuyển.

 

U&I Logistics

 

Bài viết liên quan