}

Những Điều Cần Biết Về Các Phương Thức Thanh Toán Quốc Tế Trong Xuất Nhập Khẩu

 17/05/2022

 

U&I Logistics - Với xu hướng toàn cầu hoá hiện nay, thị trường xuất nhập khẩu đang trở nên phổ biến và ngày càng mở rộng. Khi đó, nắm rõ các phương thức thanh toán quốc tế sẽ giúp các bên mua bán ở nhiều quốc gia có thể dễ dàng giao dịch một cách nhanh chóng. Để các cá nhân và doanh nghiệp có thể lựa chọn được phương thức phù hợp và an toàn nhất, hãy cùng U&I Logistics lật lại các kiến thức về phương thức thanh toán quốc tế ngay tại bài viết này nhé!

1. Phương Thức Thanh Toán Quốc Tế Là Gì?

Phương thức thanh toán quốc tế là cách thức để bên nhập khẩu trả tiền cho bên xuất khẩu trong các hoạt động thương mại quốc tế. Có nhiều phương thức thanh toán quốc tế được áp dụng, tiêu biểu như:

  • Phương thức chuyển tiền (remittance)
  • Phương thức nhờ thu (Collection)
  • Phương thức ghi sổ (Open account)
  • Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C)
  • Phương thức giao chứng từ trả tiền (Cash against documents- CAD)

2. Các Phương Thức Thanh Toán Quốc Tế Phổ Biến

PHƯƠNG THỨC CHUYỂN TIỀN (REMITTANCE)

Trong thanh toán quốc tế, phương thức chuyển tiền là một trong những phương thức thanh toán được sử dụng phổ biến nhất. Trong đó, bên phía khách hàng (người chuyển tiền) yêu cầu ngân hàng tại nước họ chuyển một số tiền nhất định cho người nhận theo yêu cầu của khách hàng.

Nghiệp vụ chuyển tiền được thực hiện theo trình tự sau:

 

1) Nhà nhập khẩu viết giấy yêu cầu chuyển tiền (lệnh chuyển tiền) gửi đến Ngân hàng bên nhập khẩu, yêu cầu chuyển tiền cho nhà xuất khẩu.

2) Ngân hàng bên nhập khẩu yêu cầu ngân hàng đại lý ở nước xuất khẩu chuyển cho nhà nhập khẩu (người nhận tiền) và gửi giấy báo nợ cho nhà nhập khẩu.

3) Ngân hàng bên nước xuất khẩu chuyển tiền cho nhà xuất khẩu và gửi giấy báo cho họ.

4) Nhà xuất khẩu giao hàng cho nhà nhập khẩu theo quy định của hợp đồng.

PHƯƠNG THỨC NHỜ THU (COLLECTION OF PAYMENT)

Phương thức nhờ thu (Collection Of Payment) là phương thức thanh toán mà nhà xuất khẩu sau khi giao hàng cho người mua sẽ tiến hành lập hối phiếu gửi đến ngân hàng thu hộ số tiền đã ghi trên hối phiếu. Phương thức nhờ thu có hai loại:

– Nhờ thu phiếu trơn (Clean collection).

– Nhờ thu kèm chứng từ (Documentery collection).

Nhờ thu trơn

Nhờ thu trơn (Clean Collection) phương thức thanh toán mà trong đó chứng từ nhờ thu chỉ bao gồm chứng từ tài chính, không kèm theo chứng từ thương mại. Các chứng từ thương mại đó sẽ được gửi trực tiếp cho bên nhập khẩu không cần thông qua ngân hàng.

Nghiệp vụ nhờ thu trơn được thực hiện theo trình tự sau:

 

1) Bên bán và bên mua thực hiện kí kết hợp đồng ngoại thương.

2) Nhà xuất khẩu thực hiện giao hàng hóa cho nhà nhập khẩu kèm theo chứng từ thương mại.

3) Nhà xuất khẩu gửi đơn nhờ thu cùng với chứng từ tài chính cho ngân hàng nhờ thu.

4) Ngân hàng nhờ thu gửi lệnh nhờ thu và chứng từ tài chính cho ngân hàng thu hộ.

5) Ngân hàng nhờ thu xem xét bộ chứng từ và gửi thông báo nhờ thu cho nhà nhập khẩu.

6) Nhà nhập khẩu gửi tiền và bộ chứng từ cho ngân hàng nhờ thu.

7) Ngân hàng thu hộ chuyển tiền cho ngân hàng nhờ thu.

8) Ngân hàng nhờ thu chuyển tiền vào tài khoản của nhà xuất khẩu.

Nhờ thu chứng từ

Nhờ thu chứng từ (Documentary Collection) là phương thức mà ngân hàng bên xuất khẩu sẽ thực hiện dịch vụ thu hộ khoản tiền bán hàng từ nhà nhập khẩu cho nhà xuất khẩu, dựa trên cơ sở bộ chứng từ giao hàng.

Nhờ thu chứng từ có hai loại:

- Nhờ thu trả tiền trao chứng từ (Documentary Against Payment – D/P).

- Nhờ thu chấp nhận trao chứng từ (Documentary Against Acceptance – D/A).

Nghiệp vụ nhờ thu chứng từ được thực hiện theo trình tự sau:

(1) Nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu tiến hành ký kết hợp đồng mua bán ngoại thương.

(2) Nhà xuất khẩu giao hàng hóa cho người mua.

(3) Nhà xuất khẩu điền đơn yêu cầu nhờ thu kèm chứng từ (mẫu của ngân hàng) gửi cùng chứng từ tài chính và chứng từ thương mại, ủy nhiệm cho ngân hàng nhờ thu để thu tiền hàng từ nhà nhập khẩu.

(4) Ngân hàng nhờ thu lập lệnh nhờ thu và gửi cùng bộ chứng từ tới ngân hàng thu hộ.

(5) Ngân hàng thu hộ thông báo lệnh nhờ thu và xuất trình chứng từ cho nhà nhập khẩu để yêu cầu thanh toán hoặc chấp nhận thanh toán.

(6) Nhà nhập khẩu thanh toán, ký chấp nhận thanh toán, hoặc ký phát kỳ phiếu/giấy nhận nợ.

(7) Ngân hàng thu hộ bàn giao chứng từ thương mại cho người mua để người mua đi nhận hàng.

(8 ) Ngân hàng thu hộ chuyển tiền thu được cho ngân hàng nhờ thu.

(9) Ngân hàng nhờ thu ghi có tài khoản cho người bán, hoặc trao trả cho người bán chứng từ tài chính đã được ký chấp nhận thanh toán, hoặc các chứng từ tài chính khác do người mua ký phát.

PHƯƠNG THỨC GHI SỔ (OPEN ACCOUNT)

Phương thức ghi sổ là phương thức thanh toán quốc tế, trong đó nhà xuất khẩu sau khi hoàn thành giao hàng thì ghi Nợ tài khoản cho bên nhập khẩu vào một cuốn sổ theo dõi và việc thanh toán các khoản nợ này được thực hiện theo định kỳ như đã thỏa thuận.

Phương thức ghi sổ được thực hiện theo trình tự sau:

 


(1) Nhà xuất khẩu giao hàng và bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu.

(2) Nhà xuất khẩu gửi giấy báo nợ cho nhà nhập khẩu.

(3) Nhà nhập khẩu đến ngân hàng tại nước họ để làm thủ tục chuyển tiền cho nhà xuất khẩu.

(4) Ngân hàng bên nước nhập khẩu chuyển trả tiền cho ngân hàng bên nước xuất khẩu.

(5) Ngân hàng bên xuất khẩu báo có cho nhà xuất khẩu.

PHƯƠNG THỨC TÍN DỤNG CHỨNG TỪ (LETTER OF CREDIT – L/C)

Thư tín dụng (Letter of Credit – L/C) là thư do ngân hàng phát hành theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, cam kết với người bán về việc thanh toán một khoản tiền cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định nếu nhà xuất khẩu xuất trình được bộ chứng từ hợp lệ đúng theo quy định trong L/C. L/C được hiểu ngắn gọn là thư cam kết của ngân hàng về việc trả tiền người xuất khẩu.

Phương thức tín dụng chứng từ được thực hiện theo trình tự sau:

 

(1) Nhà nhập khẩu làm đơn xin mở thư tín dụng gửi đến ngân hàng của mình, yêu cầu mở thư tín dụng cho người xuất khẩu.

(2) Dựa vào đơn, ngân hàng mở L/C sẽ lập một thư tín dụng và thông qua ngân hàng đại lý của mình ở bên nước xuất khẩu thông báo về việc mở thư tín dụng, đồng thời chuyển thư tín dụng đó đến cho nhà xuất khẩu.

(3) Sau khi nhận được thông báo này, ngân hàng thông báo sẽ thông báo đến nhà xuất khẩu toàn bộ nội dung thông báo về việc mở thư tín dụng, khi nhận được bản gốc thư tín dụng thì chuyển ngay cho người xuất khẩu.

(4) Nhà xuất khẩu nếu chấp nhận thư tín dụng thì tiến hành giao hàng, nếu không chấp nhận thì đề nghị ngân hàng mở L/C sửa đổi, bổ sung thư tín dụng nhằm phù hợp với hợp đồng.

(5) Sau khi giao hàng, nhà xuất khẩu lập bộ chứng từ theo yêu cầu của thư tín dụng, xuất trình thông qua ngân hàng, thông báo cho ngân hàng mở L/C để tiến hành thanh toán.

(6) Ngân hàng mở L/C kiểm tra lại bộ chứng từ, nếu phù hợp với thư tín dụng thì tiến hành trả tiền cho nhà xuất khẩu. Nếu đối chiếu không phù hợp, ngân hàng sẽ từ chối thanh toán và gửi trả lại toàn bộ chứng từ cho nhà xuất khẩu.

(7) Ngân hàng mở L/C đòi tiền nhà nhập khẩu và chuyển bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu sau khi nhận được tiền hoặc chấp nhận thanh toán.

(8 ) Nhà nhập khẩu kiểm tra lại bộ chứng từ, nếu thấy phù hợp với thư tín dụng thì hoàn trả tiền lại cho ngân hàng mở thư tín dụng, nếu không phù hợp thì có quyền từ chối trả tiền.

PHƯƠNG THỨC GIAO CHỨNG TỪ TRẢ TIỀN (CASH AGAINST DOCUMENTS- CAD)

Phương thức giao chứng từ trả tiền (Cash Against Documents - CAD) là phương thức mà  nhà nhập khẩu yêu cầu ngân hàng mở tài khoản tín thác (Trust Account) để thanh toán tiền cho nhà xuất khẩu khi nhà xuất khẩu xuất trình đầy đủ bộ chứng từ theo yêu cầu. Nhà xuất khẩu sau khi hoàn thành nghĩa vụ giao hàng sẽ xuất trình bộ chứng từ cho ngân hàng để nhập tiền thanh toán.

Phương thức giao chứng từ trả tiền được thực hiện theo trình tự sau:

1) Sau khí ký hợp đồng với nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu cần đến ngân hàng phục vụ mình yêu cầu thực hiện dịch vụ.Để làm được điều đó, nhà nhập khẩu và ngân hàng sẽ thỏa thuận và ký bản ghi nhớ (Memorandum), gồm những nội dung sau:

  • Phương thức thanh toán (Means of payment).
  • Sổ tiền ký quỹ (Pledged Amount) trị giá 100% thương vụ.
  • Những chứng từ yêu cầu (Required Documents).
  • Phí dịch vụ (Commission).

Sau khi nhà nhập khẩu chuyển đầy đủ số tiền ký quỹ, một tài khoản tín thác (Trust Account) sẽ được mở để ghi số tiền ký quỹ, đồng thời Ngân hàng cũng thông báo cho nhà xuất khẩu về việc tài khoản tín thác đã hoạt động.

2) Sau khi kiểm tra các điều kiện của tài khoản tín thác, nếu chấp nhận, nhà xuất khẩu giao hàng cho người vận tải để chuyển hàng hoá đến nơi nhà nhập khẩu yêu cầu.

3) Nhà xuất khẩu sau khi tiến hành giao hàng thì xuất trình những chứng từ mà bản ghi nhớ (Memorandum) yêu cầu tại Ngân hàng.

4) Sau khi đã thu phí dịch vụ ngân hàng theo chỉ thị trong bản ghi nhớ, ngân hàng tiến hành rà soát và đối chiếu chứng từ theo yêu cầu của bản ghi nhớ đó, nếu phù hợp thì tiến hành ghi có cho nhà xuất khẩu và ghi nợ tài khoản ký quỹ cho nhà nhập khẩu.

5) Ngân hàng giao chứng từ lại cho nhà nhập khẩu.

3. Những biện pháp để hạn chế rủi ro trong thanh toán quốc tế

Trong quá trình thực hiện nghiệp vụ thanh toán quốc tế, nếu áp dụng không đúng nguyên tắc và các quy trình thì sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Sau đây, U&I Logistics sẽ mách bạn vài mẹo nhỏ để hạn chế tối đa các trường hợp xấu nhất trong quá trình thực hiện thanh toán quốc tế:

  • Lựa chọn ngân hàng phục vụ uy tín: nên lựa chọn các ngân hàng có nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các giao dịch thanh toán quốc tế. Những ngân hàng này đa phần sẽ có đội ngũ nhân viên dày dặn kiến thức về nghiệp vụ, đủ chuyên môn để tư vấn phương thức thanh toán phù hợp hoặc đưa ra những giải pháp tốt nhất để giải quyết các “trouble” cho doanh nghiệp nếu không may mắc phải. Từ đó quá trình xuất nhập khẩu sẽ diễn ra hiệu quả và hạn chế phát sinh các tổn thất tối đa nhất có thể.
  • Chọn lọc nguồn khách hàng: cần tìm hiểu kỹ khách hàng bên nước nhập khẩu bao gồm năng lực tài chính, quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tham khảo ý kiến ngân hàng về quá trình kinh doanh của đối tác. Đây là những điều quan trọng để hạn chế rủi ro, tránh gặp phải những “khách hàng ảo” có thông tin không rõ ràng.
  • Nắm vững nghiệp vụ: trang bị tốt kiến thức và trình độ ngoại ngữ cho các nhân viên đảm nhiệm vị trí xuất nhập khẩu. Chủ động tìm hiểu về quy định pháp lý liên quan đến xuất nhập khẩu tại các thị trường lớn để đưa ra những đối sách phù hợp.

 

Qua bài viết trên, U&I Logistics đã chia sẻ cho bạn những thông tin quan trọng về phương thức thanh toán quốc tế. Hi vọng bạn sẽ có thể nắm vững kiến thức về các nghiệp vụ cũng như lựa chọn được phương thức thanh toán phù hợp nhất cho riêng cá nhân cũng như doanh nghiệp của mình.

U&I Logistics

 

 

Bài viết liên quan