11 điều khoản Incoterms không thể bỏ qua để tối ưu xuất nhập khẩu thương mại
04/05/2022
U&I Logistics - Nhắc đến xuất nhập khẩu, Incoterms đã không còn xa lạ đối với tất cả những ai từng tìm hiểu hoặc tiếp xúc thường xuyên. Thế nhưng, đối với những bạn mới chập chững bước vào con đường giải mã loại ngôn ngữ thương mại quốc tế này, chắc hẳn gặp không ít những khó khăn. U&I Logistics sẽ cùng bạn khám phá tất tần tật các kiến thức về Incoterm 2010 và cách ghi nhớ chúng sao cho hiệu quả nhất nhé!
1. INCOTERM LÀ GÌ?
Incoterms (International Commercial Terms) là các điều khoản thương mại được quốc tế công nhận, do Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) ban hành. Những điều khoản này được sử dụng rộng rãi trong các hợp đồng mua bán quốc tế.
Kể từ ấn bản đầu tiên vào năm 1936, 11 điều khoản trong Incoterms liên tục được cập nhật và sửa đổi để bắt kịp với nhịp độ phát triển của thương mại và hàng hải quốc tế. Trong đó, Incoterms 2010 là ấn bản được sử dụng rộng rãi nhất cho đến ngày nay.
2. NỘI DUNG 11 ĐIỀU KHOẢN INCOTERM
11 điều kiện Incoterm được phân thành 4 nhóm dựa theo chữ cái đầu tiên: E, F, C, D. Việc nắm rõ nội dung Incoterms là điều kiện rất quan trọng để doanh nghiệp có thể xuất nhập khẩu hàng hóa một cách an toàn. Tại bài viết này, U&I Logistics sẽ giúp bạn cách ghi nhớ 11 điều kiện Incoterms 2010 một cách nhanh nhất.
NHÓM E
EXW – EX WORKS - GIAO HÀNG TẠI XƯỞNG
Địa điểm giao hàng: được giao tại địa điểm chỉ định bên nước người bán.
Người mua làm các thủ tục và chịu các chi phí để thực hiện thông quan xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa.
Người mua tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người mua chịu mọi chi phí và rủi ro kể từ khi nhận hàng tại cơ sở của người bán (chi phí kiểm tra hàng hóa, chi phí về giấy tờ, thủ tục để nhận hàng và thông quan xuất khẩu, chi phí mà người bán đã bỏ ra để hỗ trợ cho mình,…).
Nghĩa vụ chính của người bán: Chuẩn bị hàng theo đúng hợp đồng đã thỏa thuận, giao hàng cho người mua tại xưởng của người bán hoặc tại địa điểm quy định.
Tóm lại: Đây là điều kiện mà nghĩa vụ của người bán được tự do nhất. Người bán không phải chịu bất cứ trách nhiệm và chi phí nào về lô hàng, từ việc thủ tục Hải quan đến thuê phương tiện vận chuyển,… Người bán chỉ cần giao hàng tại xưởng của mình và người mua sẽ lo mọi vấn đề sau đó.
NHÓM F
FCA - FREE CARRIER – GIAO HÀNG CHO NGƯỜI CHUYÊN CHỞ
Địa điểm giao hàng: được giao cho người chuyên chở bên nước người bán.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu
Người mua tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất cho đến khi hàng được giao cho người chuyên chở.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất hàng hóa sau khi hàng được giao cho người chuyên chở.
Tóm lại: Với điều kiện này, người bán sẽ chỉ phải bốc hàng lên phương tiện vận tải của người mua chỉ định. Nhưng nếu vị trí chỉ định nằm ngoài khu vực của người bán thì người mua sẽ phải chịu trách nhiệm bốc hàng lên xe. Rủi ro được chuyển từ người bán sang người mua tại thời điểm giao cho người chuyên chở.
FAS – FREE ALONGSIDE SHIP – GIAO DỌC MẠN TÀU
Địa điểm giao hàng: được giao dọc mạn tàu, trên cầu cảng hoặc xà lan tại cảng bốc quy định bên nước người bán.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người mua tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất cho đến khi hàng được giao dọc mạng tàu.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất hàng hóa sau khi hàng được giao dọc mạng tàu trở về sau.
Tóm lại: Ở điều kiện này người bán phải đưa hàng giao dọc mạn tàu tại cảng xuất khẩu, rủi ro cũng được chuyển từ người bán sang người mua khi hàng giao dọc mạn tàu.
FOB - FREE ON BOARD – GIAO HÀNG LÊN TÀU
Địa điểm giao hàng: giao hàng lên đến tàu, đến khi hàng hoá được đặt an toàn trên đó.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người mua tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất cho đến khi hàng được giao an toàn lên tàu.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất hàng hóa sau khi hàng được giao an toàn lên tàu trở về sau.
Tóm lại: Với điều kiện FOB, người bán được xem như hoàn thành nghĩa vụ giao hàng cho người mua khi hàng hóa đã nằm an toàn trên tàu, dưới sự định đoạt của người mua tại cảng đã thỏa thuận trong hợp đồng.
NHÓM C
CFR - COST AND FREIGHT - TIỀN HÀNG VÀ CƯỚC PHÍ
Địa điểm giao hàng: được xem là hoàn tất khi hàng được giao trên tàu và vận chuyển an toàn đến cảng nước người mua.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất cho đến khi hàng được giao an toàn lên tàu chuyên chở hàng hóa đến cảng nước nhập khẩu.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất hàng hóa khi tàu đã cập cảng đích trở về sau.
Tóm lại: Với điều kiện CFR, người bán được xem như hoàn thành nghĩa vụ giao hàng cho người mua khi đã giao hàng an toàn lên tàu giống điều kiện FOB. Nhưng người bán phải chịu thêm chi phí chuyên chở hàng hóa đến cảng nước nhập khẩu. Đối với chi phí dỡ hàng từ tàu xuống do người mua chịu.
CIF - COST, INSURANCE AND FREIGHT – TIỀN HÀNG, BẢO HIỂM VÀ CƯỚC PHÍ
Địa điểm giao hàng: được xem là hoàn tất khi hàng được giao trên tàu và vận chuyển an toàn đến cảng nước người mua.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất cho đến khi hàng được giao an toàn lên tàu chuyên chở hàng hóa đến cảng nước nhập khẩu.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất hàng hóa khi tàu đã cập cảng đích trở về sau.Người bán mua bảo hiểm cho hàng hóa.
Tóm lại: CIF giống CFR về việc bên bán thuê phương tiện vận tải, trả cước phí và chuyển rủi ro. Nhưng ở CIF người bán phải chịu thêm chi phí mua bảo hiểm cho lô hàng.
CPT – CARRIAGE PAID TO – CƯỚC PHÍ TRẢ TỚI
Địa điểm giao hàng: người bán có nghĩa vụ vận chuyển hàng giao cho bên vận tải đầu tiên tại nước người mua, có thể sử dụng cho mọi phương thức vận tải.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất trước khi hàng được giao cho người vận tải đầu tiên.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất cũng như các chi phí phát sinh không nằm trong tiền cước vận tải kể từ khi hàng được giao qua cho người vận tải đầu tiên.
Tóm lại: Đặc điểm nổi bật của CPT là ở chỗ giống hệt CFR (người bán chịu trách nhiệm thuê phương tiện vận tải chặng chính và trả cước). Ngoài ra còn thêm cước phí vận chuyển từ cảng dỡ hàng đến vị trí chỉ định của người mua nằm trong nội địa nước nhập khẩu.
CIP - CARRIAGE AND INSURANCE PAID TO– CƯỚC PHÍ VÀ BẢO HIỂM TRẢ TỚI
Địa điểm giao hàng: người bán có nghĩa vụ vận chuyển hàng giao cho bên vận tải đầu tiên tại nước người mua, có thể sử dụng cho mọi phương thức vận tải.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất trước khi hàng được giao cho người vận tải đầu tiên.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất cũng như các chi phí phát sinh không nằm trong tiền cước vận tải kể từ khi hàng được giao qua cho người vận tải đầu tiên.
Người bán mua bảo hiểm cho hàng hóa.
Tóm lại: đặc điểm của CIP là giống hệt CPT. Người bán sẽ phải chịu trách nhiệm thuê phương tiện vận tải, trả cước phí đến cảng dỡ hàng và phải chịu thêm cước phí vận chuyển từ cảng dỡ hàng đến vị trí do người mua chỉ định ở sâu trong nội địa nước nhập khẩu. Ngoài ra người bán sẽ phải chịu trách nhiệm mua bảo hiểm cho hàng hóa đến điểm đến chỉ định.
NHÓM D
DAT - DELIRERES AT TERMINAL – GIAO HÀNG TẠI BẾN
Địa điểm giao hàng: người bán có nghĩa vụ vận chuyển hàng giao đến bến quy định tại nước người mua.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và tổn thất trước khi hàng được giao cho người vận tải đầu tiên.
Người mua chịu mọi rủi ro và tổn thất cũng như các chi phí phát sinh không nằm trong tiền cước vận tải kể từ khi hàng được giao qua cho người vận tải đầu tiên.
Tóm lại: Người bán giao hàng cho đến khi hàng hoá được dở khỏi phương tiện vận tải theo bến được quy định. Người bán phải mọi chịu rủi ro đến khi hàng hóa được dỡ xuống bến quy định một cách an toàn.
DAP - DELIVERED AT PLACE – GIAO HÀNG TẠI NƠI ĐẾN
Địa điểm giao hàng: giao hàng cho bên mua tại nơi đến qui định theo hợp đồng bên nước người mua
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu, người mua làm các thủ tục thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi rủi ro và chi phí để đưa được hàng đến địa điểm giao hàng đã định sẵn trong hợp đồng.
Người mua chịu mọi trách nhiệm với hàng hóa từ khi nhận hàng.
Tóm lại: Người bán chịu mọi rủi ro và chi phí cho đến khi hàng đã được đặt dưới sự định đoạt của người mua trên phương tiện vận tải đến và sẵn sàng để dỡ tại nơi đến.
DDP - DELIVERED DUTY PAID – GIAO HÀNG ĐÃ THÔNG QUAN NHẬP KHẨU
Địa điểm giao hàng: giao hàng cho bên mua tại nơi đến qui định theo hợp đồng bên nước người mua.
Người bán làm các thủ tục thông quan xuất khẩu và thông quan nhập khẩu.
Người bán tiến hành thuê phương tiện vận tải.
Người bán chịu mọi trách nhiệm về rủi ro và phí tổn về hàng hóa trước khi giao cho người mua.
Người mua chịu rủi ro và chi phí phát sinh trong ngày sau khi hàng nằm trong quyền định đoạt của mình.
Tóm lại: Giống điều kiện DAP nhưng người bán chịu thêm thêm nghĩa vụ thông quan nhập khẩu, nộp các loại thuế liên quan, chịu mọi rủi ro liên quan để đưa hàng đến nơi đến. DDP thể hiện nghĩa vụ cao nhất của người bán.
3. NHỮNG THAY ĐỔI TRONG INCOTERMS 2020 SO VỚI 2010
Một trong những thay đổi đáng chú ý nhất trong Incoterms 2020 là việc thay thế điều khoản DAT bằng DPU. Điều này làm rõ hơn về điểm giao hàng và trách nhiệm của các bên. Ngoài ra, Incoterms 2020 cũng cập nhật các quy định về bảo hiểm, yêu cầu về an ninh và việc sử dụng phương tiện vận tải riêng.
Điều kiện DAT chuyển thành DPU
DAT (Delivered-at-terminal) sẽ được thay thế bằng DPU (Delivery-at-Place Unloaded), có nghĩa là người bán sẽ chịu trách nhiệm giao hàng và chuyển giao rủi ro cho người mua khi hàng hóa đã được dỡ xuống phương tiên vận tải tại nơi giao hàng đã được chỉ định. DPU khá tương tự với DAP khi bổ sung thêm qui định dỡ hàng hóa.
Quy định về mức bảo hiểm
Trong điều kiện Incoterms 2010, người bán chỉ mua bảo hiểm ở mức tối thiểu là ICC (C) và cho phép các bên thỏa thuận với nhau để có thể mua ở mức cao hơn. Còn trong phiên bản mới Incoterm 2020, quy định cho người bán chỉ được mua mức tối đa là ICC (A) và cho phép các bên thống nhất việc mua bảo hiểm ở mức thấp hơn.
Thêm tùy chọn “On-Board” vào điều kiện FCA
Khi vận chuyển hàng hàng hóa dưới điều kiện FCA (Free Carrier), người mua và người bán có thể thỏa thuận và yêu cầu xuất trình vận đơn on-board sau khi hàng hóa được xếp lên tàu để thanh toán với ngân hàng.
Yêu cầu về an ninh
Trong phạm vi liên quan đến nghĩa vụ an ninh vận tải, do việc sàng lọc bắt buộc container ngày càng trở nên phổ biến hơn, vì thế những chi phí này được tính vào phí vận chuyển. Incoterms 2010 đã đề cập đến trách nhiệm đối với các yêu cầu an ninh và chi phí liên quan nhưng phiên bản 2020 làm cho những nghĩa vụ này trở nên đáng chú ý hơn. tr
Quy định về sử dụng phương tiện vận tải riêng của mỗi bên
Các bên có thể sử dụng phương tiện vận tải riêng của họ khi thỏa thuận theo điều kiện FCA, DPU, DAP và DDP. Incoterm 2010 giả định rằng việc vận chuyển hàng hóa sẽ được thực hiện bởi bên thứ ba. Nó không giải quyết được trường hợp người bán hoặc người mua tự sử dụng phương tiện vận tải của họ, chẳng hạn như xe tải trong khi Incoterms 2020 làm rõ vấn đề này.
Đó là các kiến thức về Incoterms 2010 mà U&I Logistics muốn gửi đến bạn trong số đầu tiên của chuỗi LogEdu. Hi vọng qua bài viết trên, U&I Logistics có thể giúp bạn biết cách ghi nhớ các điều khoản Incoterms 2010 một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Việc lựa chọn đúng điều khoản Incoterms là vô cùng quan trọng để đảm bảo giao dịch diễn ra thuận lợi và tránh tranh chấp. Khi soạn thảo hợp đồng, các bên cần đọc kỹ và hiểu rõ nghĩa vụ của mình theo từng điều khoản.
10 rủi ro toàn cầu lớn nhất trong chuỗi cung ứng năm 2024 (Phần 1)
Việc không hiểu được những rủi ro tiềm tàng của thị trường chính là rủi ro lớn nhất của một doanh nghiệp, đặc biệt là trong thời điểm có nhiều biến động toàn cầu như hiện nay. Dưới đây là 10 rủi ro hàng đầu mà các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cần theo dõi và các giải pháp để ứng phó trong những tình huống này.
Tất tần tật thông tin về phương tiện vận tải đường thuỷ nội địa có thể bạn chưa biết
Vận tải đường thủy nội địa vận chuyển hàng hóa với khối lượng lớn, nhiều chủng loại, đặc biệt là hàng siêu trường, siêu trọng mà các hình thức vận tải khác không thể vận chuyển được. Vậy bạn có biết các phương thức vận tải đó hoạt động như thế nào?...
Vận tải đường thuỷ nội địa: Sự thật có phải đang “mắc cạn”?
Việt Nam có mạng lưới đường thủy nội địa rộng lớn và tiềm năng phát triển lớn trong lĩnh vực vận tải. Hệ thống này đem lại nhiều lợi ích và thuận lợi cho hoạt động vận chuyển hàng hóa...